Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý.
Ngành thủy sản chưa được EC gỡ thẻ vàng sau 5 năm bị phạt. |
Năm 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Sau 5 năm, ngành thủy sản vẫn chưa được phía EC gỡ thẻ vàng, đây cũng là nỗi lo lớn với các doanh nghiệp, ngư dân. Nếu không có giải pháp quyết liệt, nguy cơ bị EC nâng mức phạt lên "thẻ đỏ" sẽ lớn hơn, đồng nghĩa thủy hải sản Việt Nam sẽ không còn cơ hội vào thị trường EU.
Vấn đề này cũng được nêu ra tại họp báo của Bộ NN&PTNT sáng ngày 30/12. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết Bộ NN&PTNT đang đặt ra nhiệm vụ là tới tháng 5/2023 phải cương quyết chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra để chấm dứt nạn tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản trái phép; công tác quản lý sản lượng liên bến phải thực hiện đúng quy định, sản lượng thủy sản lên bờ cần được chứng nhận nguồn gốc, khai báo rõ ràng.
"Chúng ta phải làm cương quyết. Nếu cứ phạt chơi chơi, cam kết để đấy thì không hiệu quả. Tuyên truyền rõ vai, rõ đối tượng, đây là trách nhiệm của các bên, chứ không chỉ riêng Bộ NN&PTNT", ông Luân cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin thêm, thời gian qua ông đã trực tiếp đi kiểm tra gần hết các cảng cá. Muốn gỡ được thẻ vàng thì các địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong việc kiểm tra nguồn gốc thủy sản khai thác. "Kiên quyết chấm dứt tình trạng có tỉnh phạt, tỉnh không phạt, tỉnh bắt viết cam kết, tỉnh thì nhắc nhở... Tôi khẳng định nếu xử phạt vẫn theo kiểu "cam kết, nhắc nhở" thì không xử lý được triệt để vấn nạn", Thứ trưởng Tiến lưu ý.
L. Thúy