Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ cho biết nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng 2023, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Phấn đấu GDP đạt trên 5%
Thủ tướng cho hay, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Việt Nam đang là “ngôi sao” sáng trên "bầu trời" kinh tế thế giới. |
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)…
"Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%", Thủ tướng yêu cầu.
Bình luận về con số tăng trưởng kinh tế trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết ông dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam đạt khoảng 5%.
“Sau khi tính đủ mọi khả năng, tối ưu giải pháp phát triển, tôi chọn phương án tăng trưởng thấp nhất là khoảng 5%. Trong bối cảnh hiện nay, con số này giúp Việt Nam trở thành ngôi sao trên thị trường thế giới”, ông nói.
Theo ông Thiên, tất cả hoạt động của nền kinh tế đang ở trạng thái phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ trước dịch COVID-19. Do vậy, không nên cố gắng để đạt mức tăng trưởng quá cao, giải pháp quan trọng là phải gỡ bỏ những nút thắt, khó khăn mà nền kinh tế gặp phải.
Cụ thể, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở mức cao, đà tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bền vững, khảo sát các thành phố lớn sẽ thấy tình cảnh đìu hiu do các hộ kinh doanh đóng cửa hàng quán… “Trong nguy có cơ, nếu nắm bắt được thì đó là cơ hội để phát triển nhưng điều này đòi hỏi sự kiên trì, cần thời gian để lấy lại đà tăng trưởng bền vững”, ông Thiên nhìn nhận.
Theo đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, trong tình thế khó khăn cần giải pháp cấp bách. Lúc này nên chú trọng củng cố các cấu trúc nền tảng là các thị trường, bởi muốn tăng trưởng cao thì cần phải có nguồn lực.
Còn nhiều trăn trở để đi xa
Ông Trần Anh Vương, Tổng Giám đốc Công ty CP Western Pacific cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không nên cố gắng để tăng trưởng quá cao, bởi dự báo còn khá nhiều khó khăn trong quý IV.
Chính phủ cho biết tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%. |
Điều quan trọng được ông Vương chỉ ra là làm sao khôi phục lại niềm tin của DN. “Niềm tin của DN đâu đó được tăng lên, nhưng để DN mạnh tay xuống tiền đầu tư thì vẫn còn nhiều băn khoăn. DN chỉ có xuống tiền khi họ thấy niềm tin để đầu tư. Niềm tin chưa tốt thì DN sẽ ở tâm lý phòng thủ nhiều hơn”, ông nói.
Tổng Giám đốc Western Pacific bày tỏ Chính phủ, cũng như cộng đồng DN cần có giải pháp để gia tăng lòng tin, từ đó mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Trong đó, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt là năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp.
“Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững”, ông Thanh cho biết.
Cùng với đó, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, DN.
Thị trường trái phiếu DN còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường trái phiếu DN tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%). Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%...
Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
TS. Trần Du Lịch Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII Việt Nam cần phát triển kinh tế bền vững theo tôn chỉ tăng trưởng kinh tế nhanh, an toàn và chất lượng cả hệ thống kinh tế chứ không riêng ngành hay lĩnh vực nào. Câu hỏi được đặt ra là trong nền kinh tế hiện nay những lĩnh vực nào có nhiều dư địa để phát triển? Dư địa không phải ở những ngành kinh tế cụ thể, mà chính là ở thể chế. Nền kinh tế Việt Nam còn quá nhiều dư địa để phát triển nếu tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, mà trước hết là tư duy Nhà nước làm thay thị trường và mặt khác ở thái cực bắt thị trường làm thay Nhà nước (lạm dụng hình thức xã hội hóa). Ông Cấn Văn Lực Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, cùng với xu thế và bối cảnh nêu trên, nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội, quyết tâm vượt qua thách thức, củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, chúng tôi dự báo kinh tế của Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6 – 6,75% trong giai đoạn 2021 – 2030. Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là quốc gia được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu hướng tới hình thành các trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á. Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Khó khăn mà nền kinh tế và DN gặp phải ngoài nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, còn có nguyên nhân từ trong nước, từ thể chế, chính sách. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao thì cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, của chính sách đang cản trở sự phát triển. |
Nhật Linh