Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 115,28 tỷ USD, giảm 17,8% (tương ứng giảm 24,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 158,26 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… đều giảm ở mức hai con số như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,6%; vải các loại giảm 18,6%; thép các loại giảm 30,6%; cao su các loại giảm 39,3%; bông các loại giảm 21%; hóa chất giảm 25,4%; phân bón giảm 24,5%... Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm 66,3%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 180 tỷ USD, giảm gần 17,4% so với cùng kỳ. |
Các doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân dẫn đến kim ngạch nhập khẩu giảm là do tình hình kinh tế thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Dự kiến tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm.
Thực tế khó khăn trên dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi đó các đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5%.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Chưa bao giờ doanh nghiệp dệt may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún từ 500-1.000 chiếc áo jacket như bây giờ”. Đồng thời, thiếu đơn hàng khiến việc nhập khẩu nguyên liệu cũng giảm mạnh. “Chúng tôi không dám đặt nhiều hàng vì sợ chôn vốn, thua lỗ”, ông Hiếu lý giải.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, ngành dệt may nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất nên trong tình hình hiện nay, xuất khẩu giảm thì đương nhiên nhập khẩu cũng phải giảm theo.
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến GDP, tỷ giá hối đoái, mức độ lạm phát và lãi suất. Do đó, nhập khẩu giảm cũng giúp cán cân thương mại Việt Nam thặng dư.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD, tạo thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, giúp điều hoà thị trường ngoại hối khi tỷ giá trong nước biến động mạnh. Hơn nữa, việc xuất siêu tăng đã giúp Việt Nam tránh được việc nhập khẩu lạm phát.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, hiện tại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì thế, nhìn theo hướng tích cực, nhập khẩu giảm cũng khiến sự bất lợi về cán cân thanh toán bớt chênh lệch, tạo ra sự hài hòa trong quan hệ kinh tế song phương.
Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam và xuất khẩu phần lớn dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu, thì việc xuất siêu trong bối cảnh này là điều cần phải được xem xét cẩn trọng, vì xuất siêu tăng là do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu.
Ông Hiếu phân tích, nhập khẩu giảm sẽ khiến mức độ sản xuất hàng hóa giảm sút và sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Cụ thể, Việt Nam đang có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ vào sự tăng trưởng của xuất khẩu. Hầu hết nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu giảm đồng nghĩa xuất khẩu cũng giảm. "Khi đơn hàng giảm, doanh nghiệp khó khăn ảnh hưởng đến nền kinh tế và đằng sau đó sẽ là sa thải công nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người lao động”, ông Hiếu nhận định.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: Tình trạng xuất nhập khẩu đều giảm mạnh do thiếu đơn hàng trong hơn nửa năm qua, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến con số xuất siêu liên tục tăng trong thời gian qua. Đó là lý do khiến nhiều người lo lắng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ rất nguy hiểm đến nền kinh tế, vì nó đồng nghĩa với hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu. Đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước.
Thanh Hoa