Thống kê cho thấy Việt Nam mới chỉ có hơn 17.000 cơ sở, 550 cơ sở chế biến, 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Con số này rõ ràng còn khiêm tốn, nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phát triển.
Nếu có thị trường, khó mấy nông dân cũng làm
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành lọc dầu ở Đức, năm 2005 ông Nguyễn Ngọc Luân quyết định ngưng một số công việc đang làm tại một số tổ chức quốc tế để về quê ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ - Đồng Nai), chính thức bắt tay vào làm nông nghiệp sạch với mong muốn đem nông sản Đồng Nai xuất ngoại, đồng thời phát triển HTX Nông nghiệp Lâm San.
Khơi thông thị trường để nông sản hữu cơ phát triển. |
Ông Luân chọn hồ tiêu - loại nông sản đang rất có giá tại Việt Nam, song hầu như chưa có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới, đầu ra vẫn rất bấp bênh. Sau nhiều nỗ lực, những container hồ tiêu đạt chuẩn của huyện Cẩm Mỹ đã có mặt tại thị trường châu Âu.
Là người trải qua nhiều khó khăn, thách thức, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San - cho rằng thế mạnh hữu cơ Việt Nam nằm ở trồng trọt, không ở chăn nuôi. “Quan trọng nhất của phát triển nông nghiệp hữu cơ là phải phát triển thị trường, nếu có thị trường, nông dân tụi tôi làm được hết, sẵn sàng “đưa sản phẩm thành số một”, ông Luân nói.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh, đánh giá tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường.
Trên cơ sở đó, bà Hiếu kiến nghị: Các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn “mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường” như hiện nay.
'Cuộc chiến' cạnh tranh không lành mạnh
Trước phản ánh của người sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản hữu cơ, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thừa nhận còn nhiều khó khăn, hạn chế khi phát triển. Một trong số đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phát triển, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm hữu cơ tự xưng, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao.
Tuy vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho hay, đang có những tín hiệu vui trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chẳng hạn như thứ 2 (ngày 28/11), Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức lễ xuất khẩu lô bưởi da xanh từ Bến Tre đi Mỹ, đây cơ bản là sản phẩm bưởi hữu cơ. Sự kiện này sẽ mở ra hướng đi bền vững cho sản phẩm hữu cơ.
Để phát triển bền vững sản phẩm hữu cơ trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng cần tăng cường tuyên truyền về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ địa phương xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn; Thúc đẩy xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt từ 1,5 – 2% tổng diện tích đất nông nghiệp vào năm 2025 và 2,5 – 3% vào năm 2030. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi vào năm 2025 và 2-3% vào năm 2030. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 – 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ vào năm 2025 và gấp 1,5 – 1,8 lần vào năm 2030…
Trong đó, việc học hỏi các mô hình quốc tế cũng rất quan trọng. Đơn cử, Đan Mạch là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật hữu cơ vào năm 1987. Năm 1989, Đan Mạch đã ban hành nhãn hữu cơ quốc gia. Qua đó, Đan Mạch đã tạo ra một hệ thống các điều kiện biến tư duy hữu cơ trở thành lĩnh vực kinh doanh phát triển mạnh mẽ, được tin tưởng và nổi tiếng với tiêu chuẩn cao về truy xuất nguồn gốc, sản phẩm và tính bền vững.
Theo ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam: Một trong những lý do làm nên thành công của Đan Mạch về sản phẩm hữu cơ là việc chúng tôi không chỉ coi đó là ưu tiên về mặt chính trị, mà còn là sự hợp tác trên cơ sở tin tưởng và cùng cam kết lâu dài giữa tất cả các bên trong chuỗi giá trị.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở. Do đó, cần có sự giám sát của xã hội, nghĩa là mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm. Ngoài ra, công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được sản phẩm an toàn, sạch và hữu cơ khác nhau thế nào, cần cho ai, như thế nào?...
Lê Thúy