Bắc Ninh là cơ quan địa phương thứ hai (sau tỉnh Hải Dương) chủ động phối hợp cùng Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của các DN Việt Nam. Dự kiến chương trình sẽ được diễn ra trong 5 năm.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định sự hợp tác này sẽ là nền tảng vô cùng quan trọng giúp các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc ký kết sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ và đây cũng là mô hình kiểu mẫu để các DN học hỏi kinh nghiệm.
![]() |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định sự hợp tác này sẽ là nền tảng vô cùng quan trọng giúp các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. |
Để thực hiện hiệu quả Biên bản ký kết, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ Công Thương hoàn thiện thể chế về công nghiệp hỗ trợ để các DN đủ sức cạnh tranh tại thị trường nội địa và coi thị trường quốc tế là mục tiêu hướng tới; Bộ Công Thương và các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các DN về vốn, nhân lực; hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị…
Trong năm 2018 - 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Samsung Việt Nam triển khai Dự án hợp tác đào tạo tư vấn viên và tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho DN chế biến chế tạo, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với sự tham gia của 140 DN trên cả nước (62 DN năm 2019 và 78 DN năm 2020).
Chương trình đạt được những kết quả tích cực như: tăng năng suất, thay đổi và nâng cao nhận thức về cải tiến sản xuất và chất lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của DN.
Vào tháng 8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
T.Vinh