Nói về “làn sóng” hàng Trung Quốc giá rẻ như hiện nay nhờ vào lợi thế xây dựng hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đã đưa một dẫn chứng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, cùng một loại sản phẩm, nếu mua thương hiệu của Việt Nam sẽ có mức giá là 300.000 đồng, còn giá hàng Trung Quốc chỉ có 95.000 đồng, trong khi thời gian giao hàng là tương đương nhau.
Sức ép cạnh tranh…“đáng sợ”
Với mức giá chênh lệch cao như vậy, chưa kể hàng Trung Quốc được vận chuyển đến tay người tiêu dùng khá nhanh và còn có thể free ship (miễn phí giao hàng) với một số mặt hàng cần được giải phóng tồn kho nhanh, bà Hạnh bày tỏ băn khoăn điều đó là rất “đáng sợ”. Nhất là khi hàng Trung Quốc giá rẻ đang tạo nên sức cạnh tranh đầy khốc liệt cho các doanh nghiệp (DN) Việt vốn đang trong giai đoạn khó khăn.
Lợi thế của các nhà cung ứng Trung Quốc so với các nhà sản xuất của Việt Nam là đáp ứng mọi yêu cầu về đặt hàng, từ giá rẻ cho đến số lượng, thời gian vận chuyển nhanh. |
Tương tự như dẫn chứng của vị chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, qua trao đổi với VnBusiness, một số người tiêu dùng ở Tp.HCM cho biết khi họ đặt mua online (trực tuyến) một món hàng ở bên kia biên giới thì phí ship (vận chuyển) chưa tới 20.000 đồng, khoảng 3 ngày là nhận được. Trong khi đó, nếu mua cùng loại mặt hàng này do DN Việt sản xuất tại Hà Nội thì tiền ship và thời gian giao gần gấp đôi.
Như vậy, lẽ tất nhiên là người tiêu dùng sẽ chọn mua hàng Trung Quốc thay vì chọn hàng Việt. Chưa kể, với lợi thế các kho ngoại quan, cùng với đó là hệ thống logistics hiện đại, giá rẻ, nhanh chóng đã giúp cho hàng hóa Trung Quốc có được lợi thế then chốt khi cạnh tranh với hàng Việt vốn còn nhiều yếu kém về kho vận.
Không những thế, một số DN bán hàng trong nước (chuyên về mặt hàng nhựa, nhôm) còn cho biết là khi gặp đối tác sản xuất ở Trung Quốc và có đặt hàng những mẫu mã khó nhất, cũng như yêu cầu thời gian giao hàng nhanh nhất thì điều ngạc nhiên là các công ty Trung Quốc đều đáp ứng được. Và dù có đặt hàng số lượng ít hay nhiều thì những công ty này vẫn nhận làm, còn các công ty sản xuất ở Việt Nam lại không thỏa mãn được những yêu cầu này.
Thậm chí, có một số DN kinh doanh mặt hàng nhựa ở Việt Nam nói rõ tình trạng có DN sản xuất trong nước còn yêu cầu đơn vị đặt hàng phải chia sẻ tiền làm khuôn với nhà sản xuất với chi phí không nhỏ, làm tăng thêm giá thành sản phẩm. Trong khi đó, phía nhà sản xuất Trung Quốc hoàn toàn không có đòi hỏi này, nên rốt cuộc là họ giành được đơn hàng. Hơn nữa, với những đơn hàng vận chuyển xa còn có được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ của họ một cách tận tình và rõ ràng.
Theo bà Hạnh, ngoài việc Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới phía Bắc thì thực ra từ lâu các DN Trung Quốc đã chuẩn bị để đưa hàng hóa của họ đến sâu trong các chợ truyền thống ở Việt Nam để thu hẹp khoảng cách địa lý nhằm cạnh tranh.
Đây là thách thức lớn cho các DN nội địa. Trong khi đó, theo vị chủ tịch của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, các DN vẫn chưa có ngồi lại để bàn với nhau về những hệ quả sẽ xảy ra. Chẳng hạn như làm sao để bảo vệ việc làm cho các công nhân ở những công ty không bán được hàng hóa và dừng sản xuất trước sức ép cạnh tranh này.
Do đó, Nhà nước cần phối hợp cùng với các DN để tìm ra những cách thức để giải quyết vấn đề cạnh tranh sống còn nêu trên. Bên cạnh đó, cần xác định thế mạnh của hàng Việt Nam khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ Trung Quốc là nằm ở đâu.
Đừng tự đánh mất lợi thế
“Theo tôi, hơn lúc nào hết, các DN trong nước bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, thì cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới hiệu quả hơn. Bởi vì người tiêu dùng hiện nay sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày một nhiều”, bà Hạnh chia sẻ.
Về sách lược cho hàng Việt trước bối cảnh như vậy, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng muốn sống sót trước “làn sóng” hàng Trung Quốc đòi hỏi các DN nội địa nên từ bỏ tư duy làm ăn nhỏ lẻ, thời vụ và phải có kế hoạch đầu tư bài bản, có tính riêng biệt. Cùng với đó đẩy mạnh hệ thống logistics thì chắc chắn hàng Việt vẫn sẽ có chỗ đứng.
Như lưu ý của ông Minh, nếu như các nhà bán hàng Việt lẫn các công ty cung ứng dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) chỉ biết than vãn mà không cải tiến dịch vụ, chất lượng sản phẩm, họ sẽ tự làm mất lợi thế cạnh tranh về cả giá và hậu cần - logistics.
Ngoài ra, đứng ở góc nhìn của một DN Việt chuyên xuất khẩu nông sản chế biến vào thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, đã trấn an là đừng ngại các kho ngoại quan của Trung Quốc tại biên giới, để làm livestream (phát trực tiếp) bán hàng, để xâm nhập vào thị trường Việt. Thay vào đó, các DN Việt cũng cần xây dựng những kho ngoại quan như thế để bán lại cho Trung Quốc.
“Chúng ta cũng nên đưa hàng Việt vào kho ngoại quan. Các cảng của Trung Quốc đang xây những kho ngoại quan để chuẩn bị cho phương thức kinh doanh mới, đi từ nhà máy đến ngay khách hàng”, ông Viên nói.
Vị tổng giám đốc này cũng có lời khuyên cho một số chủ DN nhỏ là cần phải làm quen, phải thử mua hàng trên các nền tảng Taobao của Trung Quốc chẳng hạn, xem cách thức họ làm thế nào, để mình cũng có thể bán lại cho họ theo phương thức tương tự, đơn cử như livestream bán hàng cho người Trung Quốc.
“Chúng ta giờ phải nghĩ đến chuyện ngồi ở Việt Nam để livestream bán hàng cho người Trung Quốc. Muốn làm được chuyện đó thì chúng ta phải làm quen, phải tập bán hàng ngay từ bây giờ”, ông Viên chia sẻ thêm.
Nhìn chung, để hàng Việt cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ ngay trên “sân nhà” lẫn “sân khách” đang buộc các DN nội địa sẽ phải có những thay đổi lớn hơn nữa. Nhất là trong cách thức bán hàng theo các công nghệ mới nổi, song song đó là sự hỗ trợ một cách cặn kẽ và tận tình của Nhà nước nhằm khắc phục yếu kém về kho vận, logistics.
Thế Vinh