Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) có dẫn nguồn thông tin từ Undercurrentnews cho rằng trong thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) hôm 26/3 thì Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam - 3 trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ, có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ ngay trong cuối tuần này, dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.
Từ khó khăn của con tôm Việt tại Mỹ…
Theo đó, thuế suất sẽ có hiệu lực ngay khi DOC có thể công bố chúng lên Công báo liên bang (Federal Register). Việc này dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Các DN chế biến tôm đang gặp khó khăn khi đơn hàng không như thời hoàng kim, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao. |
Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu tôm hàng đầu vào Mỹ, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), đã chia sẻ về việc khi đi dự hội chợ quốc tế thủy sản Boston (Mỹ) trong tháng 3/2024, có lưu ý tìm hiểu thông tin về diễn tiến của hai vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm (CVD) và chống bán phá giá tôm (AD). Tất cả đều nói chờ đợi DOC đưa ra phán quyết thuế sơ bộ.
Theo ông Lực, có điểm khá lý thú là Việt Nam mang tiếng chưa có kinh tế thị trường, nhưng nhiều người đánh giá mức thuế CVD tôm Việt, nếu có, sẽ thấp nhất so với tôm các nước cùng bị kiện.
Ngoài ra, như ghi nhận của vị chủ tịch FMC, điểm khá lý thú nữa là có người cho rằng Ecuador giả sử thuế chống bán giá tôm họ bán vào Mỹ là 15%, họ vẫn giữ được thị trường.
“Đây là bài học cho chúng ta, chưa hẳn bán giá thấp là bán phá giá, chưa hẳn bán giá cao hơn là không phá giá, không ai được chủ quan cả và trong bối cảnh đầy rủi ro, các DN tôm ta nên có chú ý làm tốt hơn sổ sách của mình”, ông Lực bộc bạch.
Từ động thái mới của DOC đối với vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm, giới chuyên gia cho rằng con tôm Việt sẽ còn đối mặt khó khăn mới đầy phức tạp. Bởi lẽ Mỹ là thị trường quan trọng xưa nay của ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản Việt nói chung. Với kết quả phán quyết thuế sơ bộ từ DOC sẽ càng làm ì ạch sức cạnh tranh của con tôm Việt trên thị trường Mỹ.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành tôm mà còn ảnh hưởng đến các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành thủy sản Việt. Nhất là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu (XK) không như thời hoàng kim, các DN trong ngành đối mặt nhiều khó khăn quá lớn từ khâu nuôi, chế biến cho tới thị trường tiêu thụ với mối lo suy giảm sức cạnh tranh từ rào cản thương mại cho đến những rào cản khác.
Nhìn vào tình hình của các DN trong ngành thủy sản hiện nay sẽ thấy chi phí đầu vào đang có dấu hiệu tăng lên. Giá tôm nguyên liệu và cá tra nguyên liệu đang bắt đầu hồi phục khi hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại. Chi phí vận chuyển tăng do căng thẳng kéo dài tại Biển Đỏ.
Đáng chú ý là phần lớn các DN xuất khẩu thủy sản thường sử dụng hợp đồng FOB khi XK, điều đó đồng nghĩa với việc bên nhập khẩu sẽ chịu toàn bộ chi phí vận chuyển. Như vậy việc chi phí vận chuyển tăng mạnh sẽ làm giảm động lực mua hàng của các thị trường nhập khẩu. Điều đó đã tác động tiêu cực lên doanh thu hoặc giá bán của các DN thủy sản Việt.
…Đến những tình huống bất cập
Trong khi đối mặt với khó khăn như vậy thì vẫn còn đó những vướng mắc, bất cập về mặt chính sách làm hạn chế sức cạnh tranh của ngành hàng thủy sản trên thị trường XK.
Đơn cử như vấn đề làm sao giảm giá thành cho con tôm. Theo ông Hồ Quốc Lực, luật Đất đai 2024 tuy đã có điều chỉnh nhưng tích tụ đất đai vẫn rất khó trong thực tế. Từ đó, ít nhiều hạn chế việc hình thành trang trại nuôi lớn, có thể áp dụng chuẩn nuôi theo yêu cầu (ASC) để thu hút người tiêu dùng. Trong khi đó, chỉ có nuôi quy mô lớn mới có điều kiện tăng năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, thực trạng giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác. Chính vì vậy mà thời gian qua Vasep đã kiến nghị Chính phủ có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt.
Hoặc như vào hạ tuần tháng 3/2024, trong văn bản góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, liên quan về bảo đảm mức độ tin cậy của dịch vụ đánh giá sự phù hợp (như giám định, chứng nhận…), phía Vasep có nêu rõ phản ánh của các DN mức độ tin cậy của một số đơn vị đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa cao. Có tình trạng cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng vẫn còn diễn ra ở một số nơi.
Và chính điều đó khiến cho các kết quả giám định, chứng nhận này bị người tiêu dùng nước ngoài nghi ngờ, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như hàng hóa khó XK hơn, các DN trung thực không thể cạnh tranh được với các đối thủ gian dối.
Hay như việc công nhận, thừa nhận với các tiêu chuẩn - quy chuẩn nước ngoài. Phía Vasep có đề xuất trong Dự thảo nêu trên nên có quy định rõ việc thừa nhận, công nhận các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật từ các nước tiên tiến, phát triển hơn. Và các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài cho sản phẩm, dịch vụ của mình.
Bởi lẽ, trong Dự thảo lần này về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng chưa quy định rõ vấn đề công nhận, thừa nhận với các quy chuẩn nước ngoài. Trong khi đó, tại các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản., các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi. Các sản phẩm, lĩnh vực được áp dụng các Tiêu chuẩn này đều đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng và được sự công nhận của nhiều quốc gia cũng như người tiêu dùng.
“Vì vậy, việc thừa nhận, công nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ các nước tiên tiến hơn không chỉ đảm bảo tuân thủ tiêu chí chất lượng và còn có thể nâng cao hơn chất lượng của các sản phẩm khi được áp dụng các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật này”, phía Vasep nêu rõ.
Hơn nữa, việc áp dụng các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài có sẵn cũng sẽ tránh việc xây dựng quá nhiều Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết. Bởi như vậy sẽ thêm chồng chéo, gây lãng phí cho các DN thủy sản.
Suy cho cùng, một khi vẫn còn các tình huống bất cập trong khâu chính sách, cùng những tác động dây chuyền làm tăng giá thành, cộng với việc gia tăng rào cản thương mại, thì vấn đề ì ạch sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt trên thị trường quốc tế là khó tránh khỏi.
Thế Vinh