Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam (thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan) vừa quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ 200 nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019.
Dưới góc nhìn riêng của một doanh nghiệp (DN) Việt trong ngành hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Long Biên, cho rằng đây là bài học về tính rủi ro của hàng Việt khi đưa vào hệ thống siêu thị ngoại ngay trên sân nhà.
Rủi ro xuất xứ
“Trong đó, rủi ro về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu của hàng may mặc Việt là điều đáng lưu tâm”, ông Tuấn nhấn mạnh và liên hệ đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể dẫn đến tình trạng hàng may mặc Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt. Điều này có thể phần nào làm cho hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ toàn cầu e ngại.
Hiện nay, nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng may mặc ở Việt Nam hầu như phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Chưa kể, ngoài mặt hàng may mặc, theo ông Tuấn, gần đây như trường hợp một loạt siêu thị ngừng bán hàng điện máy Asanzo vì nghi hàng Trung Quốc “đột lốt” khiến cho cửa vào siêu thị ngoại của hàng Việt càng thêm thách thức nếu không đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.
Trong khi đó, Central Group Việt Nam khi giải thích về việc tạm ngừng đặt hàng may mặc chỉ đơn giản nói rằng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn mẹ ở Thái Lan.
Và chính vì không hiểu rõ nguyên nhân đằng sau việc tạm ngừng không nhận hàng là gì nên điều dễ hiểu là nhiều nhà cung cấp nội địa trong ngành hàng may mặc đã phản ứng gay gắt chính sách mới trong việc thu mua của tập đoàn bán lẻ này.
Nhưng có lẽ cũng cần nhắc lại lời lưu ý trước đây của bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam. Đó là để phân phối thật nhiều hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống siêu thị Big C khắp thế giới, thì trước tiên sản phẩm đó phải đủ tiêu chuẩn và bán tốt trong siêu thị tại Việt Nam.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ rằng để giảm thiểu rủi ro khi đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị ngoại trong lúc này, nhất là khi đang bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ – Trung, các nguyên phụ liệu, linh phụ kiện có thể hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, thay vào đó nên chọn nguồn nhập khẩu từ những quốc gia không bị ảnh hưởng.
Nếu các DN Việt vẫn muốn quyết tâm vào siêu thị ngoại dù đối mặt nhiều thách thức như bị trả hàng, tạm ngừng đơn hàng mới thì phải xem lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhất là hàng Việt “sản phẩm thật, việc thật” và là sản phẩm có giá trị.
![]() |
Bị “bắt thóp” điểm yếu, hàng Việt sẽ khó vào siêu thị ngoại |
“Bắt thóp” điểm yếu
Ngoài vấn đề xuất xứ, có một số ý kiến băn khoăn rằng vụ việc không đơn giản như vậy, mà thực ra từ lâu, Cetral Group đã muốn chỉ bán các sản phẩm của Thái Lan trong hệ thống siêu thị Big C Việt Nam. Cho nên, việc họ tạm ngừng thu nhận đơn hàng mới có thể chưa dừng ở hàng may mặc mà từ từ sẽ còn lan rộng qua các mặt hàng khác.
Thực ra, việc hàng Việt khó vào Big C hay các chuỗi siêu thị ngoại khác ngay tại Việt Nam lâu nay không phải là vấn đề mới, nhất là do chi phí hàng hóa cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, chiết khấu bán hàng lên tới 30%…
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, điểm yếu của DN Việt là khó tiếp cận thông tin tiêu chí sản xuất và công nghệ kiểm tra sản phẩm của siêu thị ngoại để có thể đưa ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng cao, rõ nguồn gốc xuất xứ, phù hợp với yêu cầu của thị trường, giá cả phải chăng, mang tính cạnh tranh…
Chính điều này khiến hàng Việt không những khó vào siêu thị ngoại ở Việt Nam mà còn khó xuất khẩu vào hệ thống siêu thị ngoại trên toàn cầu. Như chia sẻ của ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu của Nhật Bản, hiện tại hệ thống siêu thị Aeon tại Việt Nam có tổng cộng 3.000 nhà cung cấp nhưng chỉ khoảng 200 – 300 nhà cung cấp là đủ tiêu chuẩn có thể xuất hàng sang thị trường Nhật.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào động thái của Big C để suy đoán khả năng hàng hóa nhập khẩu theo chân các nhà bán lẻ nước ngoài chi phối hay thống lĩnh toàn bộ thị trường bán lẻ Việt thì có thể thấy việc loại bỏ hàng Việt ra khỏi hệ thống bán lẻ là điều hoàn toàn không thể.
Giới chuyên gia cho rằng nếu xét về mặt logic, nguồn cung hàng nội địa được suy đoán phải thuận lợi hơn bởi việc kết nối giữa nhà bán lẻ ngoại và nhà sản xuất (hoặc nhà trung gian) ở Việt Nam rõ ràng là dễ dàng hơn (do có khoảng cách địa lý gần, môi trường kinh doanh, tâm lý và cách thức kinh doanh tương tự…).
Vấn đề là, nếu hàng Việt không cải thiện về chất lượng, không tận dụng được các lợi thế về khoảng cách, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thu hút được người tiêu dùng Việt thì khi bị “bắt thóp” điểm yếu, bị hàng ngoại thay thế trên kệ hàng của siêu thị ngoại là có thể xảy ra.
Điều đáng nói, việc này là do người tiêu dùng Việt quyết định, hoàn toàn không phải vì số lượng các nhà bán lẻ ngoại trên thị trường bán lẻ cũng như hành động của họ với hàng Việt.
Thế Vinh