Là một tài xế xe ô tô khách 16 chỗ, anh Trần Văn Châu (trú quận 6, Tp.HCM) cho biết dịch Covid-19 tái bùng phát đợt 3 trong tháng 2/2021 này khiến cho công việc của anh thêm khó khăn từ trước cho đến sau Tết Nguyên đán khi nhu cầu đi lại càng thu hẹp.
Nỗi lo cung cầu giảm
Như chia sẻ của anh Châu, trước khi xảy ra dịch Covid-19 hồi năm 2020, ở công ty kinh doanh vận tải mà anh làm công tại quận 1 (Tp.HCM) có tất cả là 22 xe khách 16 chỗ. Thế nhưng, tính đến sau Tết âm lịch này thì công ty chỉ còn vỏn vẹn 2 chiếc xe, riêng bản thân anh thì mất việc.
![]() |
Rủi ro từ dịch Covid-19 đợt 3 đòi hỏi các DN Việt cần có khả năng ứng phó tốt hơn nữa. |
“Hành khách sụt giảm do dịch bệnh, yếu công nghệ kết nối với khách hàng nên cạnh tranh không lại các đối thủ, vừa làm ăn thua lỗ vừa nợ ngân hàng nên công ty lần lượt phải bán các xe. Tôi cũng nghe thông tin là nếu cầm cự không nổi thì công ty có thể sẽ làm thủ tục giải thể”, ông Châu nói.
Tại Tp.HCM, các doanh nghiệp (DN) trong mảng kinh doanh vận tải đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ năm ngoái và đợt dịch Covid-19 tái bùng phát đợt 3 đang tiếp tục giáng thêm đòn nặng nề vào họ dù cho đã có không ít giải pháp hỗ trợ.
Không riêng gì mảng vận tải, đại dịch đợt 3 đang làm nhiều lĩnh vực khác cũng đang gặp những khó khăn nhất định từ tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là DN vừa và nhỏ.
Với diễn biến dịch bệnh đang phức tạp trở lại, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của DN, có thể nói rất khó để dự báo tăng trưởng trong quý I/2021 trong khi đây là quý mà các giao dịch kinh tế tăng nhanh do Tết âm lịch, trong đó mảng tiêu dùng vốn đóng góp nhiều vào khả năng tăng trưởng.
Ts. Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT, nhận định trong đại dịch thì cung và cầu đều giảm nên cả DN nhỏ và lớn đều đang thiệt hại nặng nề.
Theo Bộ Công Thương, trong Tết Âm lịch, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý…
Ngoài xu hướng tiêu dùng trực tuyến dự báo sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn theo chiều hướng của dịch bệnh đợt 3, giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế số đang đòi hỏi các DN Việt không thể tiếp tục trì hoãn chuyển đổi số nếu không muốn DN của mình rơi vào cảnh phá sản trong tương lai.
Trong giai đoạn thách thức này, Ts. Trung cho rằng, chuyển đổi số đối với DN là điều hết sức quan trọng mang tính sống còn. Chúng ta đang sống trong thế giới thay đổi nhanh chóng và buộc DN phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng thay đổi từ khách hàng, nhân viên, đối thủ cạnh tranh, cổ đông và các bên liên quan khác.
Ứng phó trong thế khó
Khi được hỏi DN nhỏ và lớn sẽ vận hành và thay đổi chuyển đổi số như thế nào sau đại dịch, vị chuyên gia của RMIT lưu ý, trong khi nhiều DN lớn có thể có nguồn lực để thích ứng và định hướng nhanh hơn, họ đang phải ứng phó với bộ máy hành chính cồng kềnh khiến việc triển khai thường chậm chạp hơn. Còn các DN vừa và nhỏ có thể triển khai nhanh hơn vì họ có quy mô nhỏ hơn.
“Ngay cả trước đại dịch, hầu hết DN vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng đã đối mặt với nhiều khó khăn do khả năng quản trị DN kém, cạnh tranh cao, năng lực sáng tạo còn thấp, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và chi phí vận hành DN cao. Vì vậy, DN vừa và nhỏ có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức, không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai, nếu cả DN và Chính phủ không có những giải pháp phù hợp”, ông Trung nói.
Với đợt dịch lần này, giới chuyên gia cho rằng các DN đã quen với những tác động đến thị trường, đến cung cầu và các gián đoạn về sản xuất kinh doanh. Điều lo ngại là tiếp tục xảy đến nguy cơ đóng cửa, khó phục hồi ở những DN yếu hoặc chịu tác động lớn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý là trong dịch bệnh đợt 3 này thì những DN nào mà sản xuất những sản phẩm có yếu tố đầu vào càng nhiều thì càng gặp khó khăn. Chỉ cần thiếu một yếu tố trong lượng nguyên liệu đầu vào thì sản phẩm cũng khó có thể sản xuất được hoặc sản xuất có tính khiếm khuyết.
Theo ông Dũng, đối với những DN sản xuất các sản phẩm có thị trường rộng thì lại càng gặp khó khăn dây chuyền nếu như dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới.
“Bởi lẽ, có những DN trước đây có doanh thu, lợi nhuận tốt chủ yếu do phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Một khi thị trường nhập khẩu gặp gián đoạn vì dịch bệnh thì DN sẽ tạm mất thị trường, dẫn đến mất doanh thu, và họ sẽ giảm tiếp cận với nguồn nguyên liệu đầu vào, tác động dây chuyền đến DN cung cấp nguyên vật liệu”, ông Dũng chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại với những DN Việt đang đầu tư nửa chừng cho các sản phẩm mới chuẩn bị tung ra thị trường có thể sẽ bị “đứt gánh” giữa chừng vì dịch bệnh đợt 3. Đó cũng là một rủi ro rất đáng ngại cho các DN ứng phó.
Thế Vinh