Trong kết quả chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 3/2/2021, khi được hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam, có 57% thành viên EuroCham tham gia khảo sát dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021.
Nhà đầu tư tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam
Kết quả chỉ số BCI mới nhất cho thấy các doanh nghiệp (DN) châu Âu kết thúc năm 2020 vừa qua với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, ghi nhận ở mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
![]() |
Dịch Covid-19 tái bùng phát đang đòi hỏi các DN sản xuất cần tiếp tục tái cấu trúc để “tự cứu mình”. |
Ghi nhận cho thấy BCI đã duy trì mức tăng trưởng tích cực khi Việt Nam đối phó thành công với đại dịch, cải thiện niềm tin vào nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhận định: “Bản BCI mới nhất của chúng tôi là một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng năm 2021”.
“Niềm tin của cộng đồng DN vào nền kinh tế ngày càng được củng cố trong một năm qua là minh chứng cho việc Chính phủ Việt Nam xử lý thành công đại dịch Covid-19 và đẩy mạnh xúc tiến EVFTA, tạo ra một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam”, ông Nicolas nói.
Còn theo ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam, xu hướng nhận thức tích cực của các DN Châu Âu cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam - trái ngược với tình hình ở các nơi khác trên thế giới.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự tự tin về tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng trên diện rộng. Các lãnh đạo DN báo cáo họ kỳ vọng và dự đoán khối lượng nhân sự sẽ tăng khoảng 33% trong quý đầu tiên của năm 2021”, ông Thue Quist Thomasen chia sẻ.
Có thể thấy, với những công bố mới của EuroCham là điều đáng khích lệ trước bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát trong những ngày gần đây khiến cho các DN không khỏi lo ngại.
Nhất là khi các DN vừa trải qua tháng đầu tiên của năm 2021 với sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 cũng ước tính tăng cao 22,2% so với tháng 1/2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng đến 27,2%.
Nhưng "vượt bão" thế nào?
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng dịch Covid-19 tái bùng phát trong cuối tháng 1 rồi bước sang tháng 2/2021 đang tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các DN vốn đã chịu đựng những thời điểm khó khăn như năm vừa rồi.
Theo ông Dũng, đối với các DN có đầu vào rộng và đầu ra cũng rộng thì ở thời điểm như hiện tại nên tiếp tục “tái cấu trúc”, co hẹp lại danh mục sản xuất.
Chẳng hạn như với DN trong ngành hàng chế biến thực phẩm, nếu trước đây chuyên chế biến những sản phẩm cầu kỳ với nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều quốc gia thì bây giờ có thể sản xuất những sản phẩm ở mức độ “bình dân” hơn nhưng đáp ứng được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng hơn.
“Khi đó, DN sẽ giảm bớt được việc nhập khẩu nguyên liệu ở một số quốc gia vốn đối mặt rủi ro gián đoạn do dịch Covid-19 gây ra, thay vào đó DN sẽ dùng nguyên liệu trong nước, nhất là ở những vùng chưa xảy ra dịch bệnh”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, vấn đề các DN mới gia nhập thị trường hoặc trở lại hoạt động sau giai đoạn khó khăn nhưng lại đang đối mặt với dịch bệnh tái bùng phát cũng là một thách thức lớn đối với họ.
Trong tháng 1/2021, thống kê cho thấy cả nước có gần 10,1 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115,9 nghìn lao động, tăng 21,9% về số DN, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.
Với các DN mới gia nhập thị trường hoặc trở lại hoạt động trong thời điểm này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, đây là điều đáng mừng cho nền kinh tế trong nước khi mà họ có sự lạc quan và có cơ hội để đóng góp về thuế cho Nhà nước, giải quyết công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm để bán ra thị trường...
“Vấn đề là trước rủi ro khó lường từ dịch Covid-19 thì bản thân họ phải biết cách để nỗ lực “tự cứu mình” và vươn lên giữa khó khăn. Và khâu chính sách về thuế, vốn vay cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các DN này”, ông Dũng lưu ý.
Riêng với các DN rời khỏi thị trường, số liệu cho thấy trong tháng 1/2021 cả nước có 25.752 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với những DN này, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng bài học rút ra trong đại dịch Covid-19 là cần phải nghiêm túc nhìn nhận về cách thành lập, phát triển và thanh lý DN. Dù nhiều người nói rằng quy luật tất nhiên là “có sinh, có tử”, có những DN hoạt động tốt thì cũng có DN hoạt động chưa tốt. Nhưng, các DN cần phải chiêm nghiệm là sự hiện diện của mình là đáng giá chứ không phải là “chết yểu” giữa khó khăn.
Thế Vinh