Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, ngay tại hội nghị, 3 tập đoàn nước ngoài đã cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỷ USD.
Nhà đầu tư phàn nàn về rào cản hành chính
Cụ thể, nhà đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo; Nhà đầu tư Nhật Bản rót 600 triệu USD cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế; Lĩnh vực sản xuất năng lượng, logistics sẽ đón nhận khoảng 1,6 tỷ USD vốn đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc.
Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định sẽ rót thêm 3,7 tỷ USD vào Việt Nam. |
Cũng tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã gửi gắm những mong mỏi trực tiếp tới lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Đại diện một trong các nhà đầu tư trên, bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG (có trụ sở tại Munich, Đức) cho hay, VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam có khả năng sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.
Đức nổi tiếng với các ngành công nghiệp vĩ mô. Đức cũng sẽ phối hợp các tổ chức quốc tế, bao gồm WB để thiết lập, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. “Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã hỗ trợ chúng tôi có cuộc đối thoại với các nhân vật cao cấp của Việt Nam để bàn về quá trình triển khai dự án”, bà Antonia Zahn–Weber chia sẻ.
Việc quyết định rót 1,5 tỷ USD của VFT Industry UG là một trong những tín hiệu cho thấy dòng vốn xanh từ EU đang tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – ông Gabor Fluit đánh giá, mặc dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam đã được công nhận là một "ngôi sao" đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.
Theo EuroCham, các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này.
Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, EuroCham cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.
Về thuế và phí, EuroCham kiến nghị Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Liên quan tới thủ tục hành chính, ông Emin Turan, Tổng Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Sanofi tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả của các quy định, khi khả năng tiếp cận đổi mới sáng tạo của các sản phẩm Việt Nam đang đi sau các nước. Đến năm 2021, có 460 loại thuốc tiên tiến toàn cầu được sản xuất trên thế giới nhưng chỉ có 9% các loại thuốc này xuất hiện tại Việt Nam, tỷ lệ này thấp và thua kém nhiều nước trên thế giới cũng như khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
“Chúng tôi nhận thấy đây là do các rào cản chính sách, sự chậm trễ hành chính trong việc đăng ký thuốc, quy trình hoàn trả kéo dài và thay đổi chính sách thường xuyên, có thể ảnh hưởng đến thời gian tiếp cận các loại thuốc này của Việt Nam, đặc biệt là các thuốc điều trị mới. Điều này cũng cản trở các hoạt động đầu tư vào ngành dược”, ông Emin Turan nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay vướng mắc
Về phía nhà đầu tư Hàn Quốc, Công ty Hyosung Đồng Nai (kinh doanh trong các lĩnh vực dệt may, hóa chất, vật liệu công nghiệp…) đang xem xét đầu tư với quy mô lớn vào các lĩnh vực mà Hyosung chưa từng thực hiện tại Việt Nam như sinh học (Bio), công nghệ cao, thông tin và truyền thông.
Liên quan đến các dự án đầu tư đã và đang thực hiện, ông Kim Yong Seup, Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Đồng Nai rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để giúp các nhà đầu tư có thể hoàn thành việc đầu tư theo đúng thời hạn dự kiến. Các doanh nghiệp đều quyết định mở rộng đầu tư dựa trên cam kết với khách hàng, và “chúng tôi phải tiến hành đầu tư theo đúng với lịch trình dự kiến để có thể cung cấp các sản phẩm cho khách hàng theo đúng thời hạn đã hứa”, ông Kim Yong Seup nói.
Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.
Sắp tới, KoCham cho hay, sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh Samsung, các công ty điện tử như LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.
Để thu hút thêm doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản, hiệu quả và ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, KoCham đã tiếp nhận một số kiến nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc mới vào đầu tư tại Việt Nam về một số khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy,... “Tôi tin rằng nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Hong Sun khẳng định.
Lắng nghe những ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc các nhà đầu tư đã đưa ra các cam kết đầu tư sau hội nghị với tổng số vốn gần 4 tỷ USD. Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề nổi lên gồm: Phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất, Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động xử lý ngay theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản chỉ đạo là sản phẩm sau Hội nghị về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.
Nhật Linh