So với năm 1991 – thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện thì số vốn đăng ký và giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù cho đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Nhu cầu có bộ lọc thu hút FDI rất cấp thiết
Dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhưng hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài thời gian cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Chẳng hạn, theo báo cáo của cơ quan thuế, có tình trạng một số doanh nghiệp (DN) FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam.
Cần phải có bộ lọc về thu hút FDI nhưng lưu ý không phát sinh thêm thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhà đầu tư. |
Những con số thống kê cũng cho thấy, quy mô vốn trung bình một dự án có xu hướng nhỏ lại (USAID- VCCI, 2021). Chỉ khoảng 5% dự án sử dụng công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp (Bộ KH&ĐT, 2020). Mức độ nội địa hóa các sản phẩm mới đạt khoảng 20-25%, thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Tình trạng nhà đầu tư chậm trễ triển khai dự án khiến chính quyền địa phương phải thu hồi giấy phép, tình trạng thua lỗ, chuyển giá... ngày một gia tăng. Chẳng hạn, năm 2020, xấp xỉ 56% trong tổng số khoảng 25.200 DN FDI kinh doanh thua lỗ dù tổng tài sản của các DN này tăng 22% (Bộ Tài chính, 2022).
Đồng thời, những bài học được ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), nhắc tới đó là một số DN chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả cho xã hội. Vụ việc tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở về những rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.
Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ lao động trong một số DN chưa tốt, người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí ngược đãi cũng đã xảy ra tại một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các vụ đình công diễn ra không ít ở một số DN FDI.
Nguyên nhân được VCCI chỉ ra là do phân cấp đầu tư "đại trà, dàn đều", chưa tính đến đầy đủ đặc thù của địa phương, có tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt quy định...
“Có dự án nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường nên địa phương A từ chối, nhưng địa phương B lân cận, đầu nguồn con sông thì chấp nhận”, ông Tuấn chia sẻ, đồng thời cho rằng nhu cầu có bộ lọc thu hút FDI rất cấp thiết, thay vì thẩm định dựa trên kinh nghiệm, nên có quy trình cụ thể.
Sàng lọc nhưng không phát sinh thêm thủ tục
Bắc Giang là địa phương đang thu hút đầu tư khá tốt, đặc biệt là đầu tư FDI và không thể phủ nhận những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài đối với giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh là rất lớn (88,4% giá trị sản xuất công nghiệp).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang, cho hay vẫn còn một số khó khăn. Luật Đầu tư đang được áp dụng cho cả các dự án đầu tư bao gồm cả dự án có vốn đầu tư trong nước cũng như các dự án FDI. Bên cạnh đó, Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành, địa phương không ngừng cắt giảm, đơn giản các thủ tục hành chính, nghiêm cấm các bộ, ngành và các địa phương đặt ra các yêu cầu thêm ngoài quy định của pháp luật.
“Như vậy, nếu chỉ trông vào các tài liệu được nêu trong đề xuất đầu tư của nhà đầu tư thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất khó khăn trong việc có đủ cơ sở dữ liệu để thẩm định, đánh giá hiệu quả của một dự án. Không kể thời gian thẩm định dự án sẽ phải kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang, cho rằng để VCCI triển khai xây dựng hiệu quả bộ lọc thu hút FDI, cần nghiên cứu thêm các tiêu chí đánh giá trong “Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Kế KH&ĐT đang dự thảo, để tạo sự thống nhất ngay từ khâu thẩm định cũng như khi dự án đi vào hoạt động.
Cùng với đó, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh nghiên cứu xem xét nguyên tắc và phạm vi áp dụng một cách thống nhất, bởi lẽ hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI. Do vậy, nếu không có sự thống nhất trong việc áp dụng thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung đầu tư vào những địa phương thẩm định qua loa, dễ dãi hơn.
Trường hợp áp dụng dụng thống nhất cho cả nước thì cũng cần nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định chặt chẽ hơn trong quá trình hậu kiểm để xử lý đối với các trường hợp nhà đầu tư khi thực hiện dự án không đúng so với cam kết, đề xuất ban đầu khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong khi đó, TS.Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, chia sẻ qua thực tiễn, hệ thống pháp luật chính sách vẫn chưa đồng bộ, khi ngồi thẩm định dự án, rõ ràng biết về nguyên tắc nhưng quy định này hay quy định kia cũng gây ra những khó khăn. Thêm vào đó, bộ công cụ sàng lọc không được chồng lấn sang phạm vi khác của quá trình thu hút, quản lý các dự án thu hút FDI đầu tư vào Việt Nam.
Đồng thời, ông Thắng cho rằng cần bổ sung thêm công cụ của quá trình tổ chức thực hiện sau khi có giấy phép. “Chúng ta không thể kêu gọi lòng tốt của nhà đầu tư như nêu cao tinh thần kinh doanh có trách nhiệm. Rõ ràng rất đúng nhưng công cụ thẩm định và giám sát rất cần thiết, không có việc kêu gọi lòng tốt của nhà đầu tư”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nhằm thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, có tác động lan tỏa, liên kết với DN trong nước, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt Bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nếu năm 2018, khối ngoại đăng ký 10 đồng chỉ thực hiện khoảng 5 đồng, đến 2022, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện/vốn đăng ký đạt 82%, có nghĩa trong 10 đồng đăng ký, nhà đầu tư đã bỏ 8 đồng vào Việt Nam. Đây là thông tin cho thấy rõ điểm sáng của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia có xu hướng thu hẹp dòng vốn, nhưng vẫn chọn Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phát huy năng lực DN trong nước, nâng cao chất lượng, kỹ năng quản lý để thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Shota Miura Giám đốc tài chính Uniqlo Việt Nam Uniqlo bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2018, hiện đang có 15 cửa hàng. Chúng tôi vẫn đang định hướng phát triển mở rộng tại Việt Nam, đi kèm các tiêu chí phát triển bền vững như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và đặc biệt là tìm cách hợp tác với DN nội địa… Tuy nhiên, trong quá trình này, nhà đầu tư nước ngoài rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành để Uniqlo tận dụng tốt những tiềm năng và thực hiện các cam kết đầu tư tại Việt Nam. |
Lê Thúy