Chia sẻ về khả năng phát triển thị trường xuất khẩu (XK) linh kiện phụ tùng ô tô và cơ khí, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, các sản phẩm linh kiện phụ tùng và cơ khí của công ty có nhiều cơ hội XK vào thị trường châu Âu nhờ giá cạnh tranh.
Triển vọng cung ứng kiểu OEM
Ngoài ra, với việc đẩy mạnh XK nhóm sản phẩm này, theo ông Tài, bên cạnh thị trường ASEAN, Thaco đang đặc biệt chú trọng các thị trường khó tính nhưng tiềm năng, như: Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM) cho các đối tác lớn là phương thức để DN Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị của thế giới |
Hoạt động XK linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam được ghi nhận có mức tăng trưởng đáng kể từ đóng góp tích cực của doanh nghiệp (DN) trong ngành cơ khí của khối nội như Thaco. Điển hình như trong năm 2020 vừa qua, kim ngạch XK linh kiện phụ tùng và cơ khí của DN này đã tăng đến 25% so với năm trước.
Đặc biệt là các sản phẩm như áo ghế, bọc cần số, két dàn nóng, linh kiện composite… tiếp tục được XK với số lượng lớn sang các thị trường trọng điểm Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và mở rộng thêm các thị trường mới là Ba Lan, Ý. Trong đó, áo ghế có số lượng và giá trị cao nhất.
Ngoài việc XK linh kiện ô tô, trong năm 2020, Thaco còn hoàn thành mục tiêu XK hơn 1.400 ô tô các loại. Mới đây nhất, hôm 17/1/2021, Thaco đã XK lô hàng 60 xe Kia Grand Carnival sản xuất tại nhà máy ở Chu Lai (Quảng Nam) sang thị trường Thái Lan với điểm ấn tượng là tỷ lệ nội địa hóa (RVC) trên 40%, hưởng thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định ATIGA trong khu vực ASEAN, có giá bán cạnh tranh.
Trong “điểm sáng” XK linh kiện phụ tùng ô tô, theo đánh giá, việc sản xuất và cung ứng OEM cho các đối tác lớn là phương thức để Thaco tham gia sâu vào chuỗi giá trị của thế giới.
OEM (Original Equipment Manufacturer), được gọi là nhà sản xuất thiết bị nguyên thủy, là những hãng thực sự sản xuất sản phẩm mặc dù sản phẩm lại mang nhãn hiệu của hãng khác.
Đây là các công ty thực sự chế tạo ra một thiết bị phần cứng nào đó. Khác với những người buôn bán lại, làm tăng giá trị hàng hóa, họ là những nhà chế tạo, sửa chữa, đóng gói và bán ra thiết bị phần cứng đó.
Khi đề cập đến các bộ phận tự động trong ngành công nghiệp ô tô, OEM là nhà sản xuất thiết bị gốc, nghĩa là các bộ phận được lắp ráp và lắp đặt trong quá trình xây dựng một chiếc xe mới. Các sản phẩm OEM được nhà sản xuất chấp thuận và thường đắt hơn đáng kể so với các bộ phận phụ tùng.
Tái cấu trúc mạng lưới sản xuất
Theo giới chuyên gia, sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp linh kiện, phụ tùng ô tô đã tạo ra nhu cầu mạnh mẽ cho các nhà sản xuất OEM và các nhà sản xuất sau bán hàng để phân biệt mình trong thị trường phụ tùng.
Còn với Thaco - một DN hàng đầu trong ngành cơ khí nội địa, có thế mạnh khi là đối tác của các thương hiệu ô tô quốc tế. Điều này giúp cho công ty nắm rõ yêu cầu, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng linh kiện OEM theo tiêu chuẩn toàn cầu, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình nội địa hóa linh kiện phù hợp với tiêu chuẩn của các hãng xe.
Trong năm 2020, Thaco đã phát triển thêm nhiều đối tác mới như TIP (Nhật Bản), H2Brands (Mỹ), Sin Leong (Malaysia), IRS (Úc). Còn trước đó là nhà cung cấp OEM cho các đối tác chiến lược như Independence, Shin Myung, Cellmech, Daewon (Hàn Quốc), Hanaoka (Nhật Bản).
Công ty còn đẩy mạnh XK các sản phẩm ngoài ngành ô tô như găng tay bảo hộ, găng tay phủ cao su, xe đẩy hành lý sân bay sang Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Malaysia, Nhật Bản…
Theo đánh giá, trong số 350 DN sản xuất liên quan đến ô tô ở Việt Nam hiện nay, có tới 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… Tuy nhiên, để các DN này trở thành nhà cung ứng OEM không phải là điều đơn giản.
Nếu muốn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thêm những nhà cung ứng OEM cho các đối tác lớn trên toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng, các DN của khối nội cần tiếp tục tái cấu trúc mạng lưới sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị. Điều này đòi hỏi việc xây dựng năng lực và sự sẵn sàng của các DN về tư duy, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Bên cạnh đó, với một chiếc ô tô cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện khác nhau. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô Việt phải có sự hợp tác chặt chẽ của rất nhiều ngành công nghiệp khác như: cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hóa chất… nhằm mang lại hiệu quả cao hơn so với hiện tại.
Ngoài ra, các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cần chú trọng hơn nữa xu hướng sử dụng công nghệ 4.0 để cải tiến quy trình hiện có, nhằm tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp ô tô Việt trên thị trường XK.
Thế Vinh