Sẽ có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ khỏi nền kinh tế
Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa chủ trì cuộc họp ngày 22/6 với các bộ, ngành về tình hình, tiến độ và kết quả xây dựng các Nghị định quy định thi hành Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Đây là cuộc họp mà lãnh đạo 17 bộ, ngành cùng ngồi lại rà soát lần cuối với lãnh đạo VCCI, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) dự thảo các Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trước khi trình Chính phủ tại cuộc họp chuyên đề do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào hôm nay (23/6). Trên cơ sở chuẩn bị của các bộ, hiện đã có 51 Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết 2 luật nêu trên, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 49 nghị định. Còn 2 nghị định thuộc Bộ Quốc phòng và Kiểm toán Nhà nước đang trong quá trình triển khai.
Nhấn mạnh đến chất lượng của các nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng cho rằng, các văn bản được ban hành ra phải đi vào thực tiễn cuộc sống với tinh thần là cởi trói, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển, bỏ giấy phép con. Những quy định nếu thấy không phải là những điều kiện kinh doanh thì đều phải gạt bỏ trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.
Mang đến cuộc họp với các bộ, ngành báo cáo rà soát dày hơn 300 trang góp ý vào 311 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được tới 21h ngày 21/6, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết đã kiến nghị bỏ 75 điều kiện kinh doanh được coi là không còn cần thiết, sửa đổi 127 điều kiện và nhiều kiến nghị khác được quy định trong 49 nghị định mà Bộ Tư pháp đã thẩm định.
Lãnh đạo VCCI đề nghị, những điều gì còn băn khoăn giữa tiền kiểm và hậu kiểm thì chuyển hết sang hậu kiểm. Nếu còn băn khoăn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật thì chuyển sang tiêu chuẩn kỹ thuật.
Còn khoảng một tuần nữa là tới mốc 1/7 - thời hạn quy định các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành quy định trong Thông tư không còn hiệu lực nếu không đưa lên thành Nghị định.
Như vậy, sẽ có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ khỏi nền kinh tế. Và hiện “cuộc đua” nâng cấp thông tư lên thành nghị định đang bước vào giai đoạn nước rút.
Công Trí