Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Trước đó, quy hoạch năng lượng chỉ rải rác được đề cập trong các chiến lược ngành.
Lần đầu tiên Bộ Công Thương lấy ý kiến về Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. |
Dự kiến Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 14 chương, chia làm 4 phần, gồm: Phần 1: Hiện trạng năng lượng quốc gia và kết quả thực hiện quy hoạch; Phần 2: Tình hình và dự báo phát triển kinh tế xã hội và định hướng phát triển các phân ngành năng lượng; Phần 3: Phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phần 4: Cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 5 chương đầu tiên của Quy hoạch này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia lần này có bối cảnh tương đối khác với những lần lập quy hoạch trước. Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đặt ra với yêu cầu mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế, đưa ra một quy hoạch động và mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.
Ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, cho biết nhu cầu năng lượng sẽ được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải.
Xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính: Phân ngành than gồm thăm dò, khai thác, sàng tuyển và chế biến than, vận tải ngoài, định hướng phát triển cảng xuất và nhập khẩu than, khả năng nhập khẩu than và định hướng phát triển thị trường than.
Phân ngành dầu khí: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, hệ thống tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí.
Phân ngành điện lực: Nguồn điện, lưới diện, đấu nối nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, liên kết lưới diện khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn.
Phân ngành năng lượng tái tạo: Năng lượng tái tạo cho mục đích phát điện, năng lượng tái tạo cho giao thông vận tải.
"Những rào cản và thách thức lập quy hoạch tổng thể năng lượng đó là lần đầu tiên thực hiện nên có những khó khăn về xác định phạm vi, liên kết hạ tầng năng lượng, danh mục dự án quan trọng, cơ chế giải pháp thực hiện quy hoạch", ông Trần Kỳ Phúc nhấn mạnh.
Đồng thời, quy hoạch tổng thể năng lượng có liên quan tới nhiều quy hoạch đang trong giai đoạn xây dựng nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch phát triển công nghiệp... Vì vậy, trên thực tế, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn.
Bên cạnh đó, dữ liệu năng lượng quốc gia còn chưa được xây dựng thống nhất và chưa có chuỗi số liệu quá khứ đủ dài, việc này gây khó khăn trong công tác dự báo nhu cầu năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng, liên kết hạ tầng năng lượng.
Lê Thúy