Nhiều ĐBQH cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày dự thảo Luật Kiến trúc tại phiên thảo luận chiều 21/5. |
Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 5 quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng: bổ sung một điều về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng. Đồng thời, quy định Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý.
Theo luận về vấn đề này, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: “Tại khoản 2 điều 5 có nội dung UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc. Vấn đề đặt ra đó là hiện có rất nhiều dân tộc sinh sống tại một tỉnh, thành phố khác nhau. Vậy tỉnh, thành phố nào có thể quy định được bản sắc dân tộc theo tiêu chuẩn, tính chất tiêu biểu và đặc trưng kiến trúc Việt Nam? Nếu tỉnh nào cũng quy định thì liệu có sự không thống nhất hay không? Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu”.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng cho rằng, việc quản lý nhà nước đối với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa là quan trọng và cấp bách; đồng thời không chồng chéo các quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc sẽ không khả thi, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong toàn quốc. Bởi, quy định về bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi chuyên môn rất sâu; nhất là nước ta có nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa các dân tộc rất phong phú, đa dạng.
“Không nên giao cho từng địa phương mà nên giao thống nhất cho Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc. Việc quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là hết sức cần thiết để tránh tình trạng thực hiện không chặt chẽ, dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng sao chép kiến trúc ngoại lai, tùy tiện, phá vỡ kiến trúc của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam”, bà Thủy kiến nghị.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến không nên giao UBND tỉnh quy định vì sẽ không thể hiện được bản sắc của dân tộc.
ĐB Khánh cho rằng, nếu quy định bản sắc văn hóa giao cho các tỉnh thì sẽ xảy ra tình trạng mỗi tỉnh có một bản sắc văn hoá riêng, đi đến tỉnh nào cũng có bản sắc văn hóa, không có sự thống nhất một cách tổng thể về bản sắc văn hóa dân tộc.
Huyền Anh