Mới đây, trên cơ sở tổng hợp báo cáo Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (tính đến ngày 15/9), Bộ Tài chính đã phát hiện 6 doanh nghiệp đầu mối vi phạm về quy định của Quỹ BOG.
Lo tiền người dân ‘bốc hơi’ theo Quỹ
Trong đó, Công ty CP Dầu khí Đông Phương và Công ty TNHH Trung Linh Phát vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ BOG theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP và không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ. Các công ty như công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định quỹ BOG theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP; còn công ty CP Appollo Oil không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ.
Petrolimex là doanh nghiệp đầu mối nắm giữ số quỹ BOG lớn nhất. |
Gần đây, một thông tin khiến người dân hoang mang là cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An (A09) đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” của công ty Xuyên Việt Oil. Doanh nghiệp này đã bị Bộ Công Thương rút giấy phép nhập khẩu xăng dầu. Theo quy định, Xuyên Việt Oil phải nộp lại toàn bộ số tiền từ Quỹ BOG vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên đơn vị này đến nay vẫn chưa chuyển lại số tiền 219,34 tỷ đồng - số dư Quỹ BOG tại doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2023.
Hay thông tin đáng chú ý những ngày gần đây là một ngân hàng thương mại đã tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của một doanh nghiệp - công ty vận tải thủy bộ Hải Hà (trong đó có tài khoản quỹ BOG xăng dầu) để khấu trừ công nợ.
Về những bất cập, thậm chí là "bê bối" của việc chiếm dụng Quỹ BOG thời gian gần đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nêu quan điểm, Quỹ BOG xăng dầu không còn phát huy tác dụng như thời gian đầu thành lập, đang bộc lộ rõ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Do vậy, đã đến thời điểm cơ quan chức năng nên xem xét nghiêm túc việc dừng quỹ này và bình ổn thị trường thông qua công cụ thuế.
Thực tế, mỗi khi thị trường xăng dầu có biến động, một trong những đề xuất được nhắc tới là bỏ quỹ BOG – trái ngược với vai trò bình ổn – vốn là sứ mệnh của quỹ này. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã từng đề xuất Chính phủ bỏ quỹ BOG xăng dầu để vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Tuy vậy, sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến, Bộ Tài chính đã gửi Tờ trình Luật Giá sửa đổi để Quốc hội thông qua theo hướng cơ quan này đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ BOG. Dự kiến Luật Giá sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng nhiều lần đặt vấn đề, nếu bỏ Quỹ BOG thì xăng dầu sẽ được điều hành theo cách “cong ăn cong thẳng ăn thẳng”. Theo đó, cơ quan này cũng nhiều lần nhấn mạnh tới ý nghĩa của BOG trong việc hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chưa thể bỏ Quỹ thì quản sao cho chặt
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng với cơ chế điều hành chưa hoàn toàn thị trường thì vẫn cần duy trì quỹ BOG xăng dầu. “Tôi cho rằng chỉ khi nào Nhà nước trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn, đảm bảo thị trường xăng dầu có cạnh tranh hoàn toàn thì mới có thể bỏ quỹ”, ông Thỏa nêu quan điểm.
Trước nhiều ý kiến cho rằng Quỹ BOG không còn phát huy nhiều tác dụng như tên gọi, cũng như mục đích ra đời cách đây hơn 10 năm trước, TS. Thỏa không đồng tình, bởi thực tế quỹ còn tác dụng bình ổn nhưng vấn đề do điều hành là chính.
Nếu chưa thể bỏ ngay, việc quản lý Quỹ BOG giá cần siết chặt để tránh tình trạng chiếm dụng. |
"Trong những năm qua, tác dụng tích cực của Quỹ đã được kiểm toán Nhà nước đánh giá. Vấn đề ở chỗ, vừa qua đã xuất hiện một số vấn đề thu/chi, sử dụng Quỹ BOG…. Làm sao để quỹ này hoạt động có hiệu quả hơn thì cần phải cải tiến ngay việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ một cách chặt chẽ hơn, minh bạch hơn", ông Thỏa cho biết.
Để quy trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý Quỹ BOG xăng dầu, ông Thỏa nhìn nhận nên để Bộ Công Thương quản lý quỹ. Lý do, Bộ Công Thương điều hành toàn bộ hệ thống kinh doanh, điều hành giá xăng dầu. Do vậy, việc Bộ Công Thương điều hành trích, sử dụng quỹ sẽ là cách tốt và hiệu quả nhất, Bộ Tài chính chỉ làm nhiệm vụ quản lý về thuế, phí.
Về vụ việc một ngân hàng có thu nợ Quỹ BOG của công ty vận tải thủy bộ Hải Hà, ông Thỏa nhìn nhận, nếu không phân định bên nào có khuyết điểm, bên nào không có khuyết điểm thì phải nhờ công an vào cuộc để điều tra, xử lý, tránh tình trạng làm thất thoát tiền Quỹ BOG của người dân.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Quỹ BOG xăng dầu đang “bất ổn” và “bất cập” bởi việc quản lý vẫn còn lỗ hổng. Cụ thể, Quỹ BOG được doanh nghiệp giữ, trong khi cơ quan Nhà nước quản lý điều hành nhưng không cập nhật được tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp đầu mối. Dẫn đến, doanh nghiệp đầu mối chỉ báo cáo theo con số nhưng số tiền thực dụng trong tài khoản của doanh nghiệp đầu mối, cơ quan quản lý điều hành không thể biết do không có quy định.
Trong khi đó, Thông tư 103 quy định, quỹ BOG trích lập quỹ 300 đồng/lít, khi giá giảm từ 5% trở lên được phép trích thêm, khi giá tăng 7% trở lên mới được phép xả quỹ. Đây cũng là bất cập bởi hiện nay số dư Quỹ BOG nhiều – lên tới hơn 7.400 tỷ đồng nhưng không thể xả quỹ được trong khi vừa qua giá liên tục tăng, và người dân, nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nên rất cần giá xăng dầu "hạ nhiệt"
Trong bối cảnh chưa thể bỏ được Quỹ BOG trong "một sớm, một chiều", và quỹ vẫn được để tại các doanh nghiệp, thiết nghĩ cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ... Nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Nhật Linh