Đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua công cụ quỹ bình ổn giá được sử dụng hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế biến động của giá trong nước so với thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tính tới ngày 31/7, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 7.438 tỷ đồng. |
Bộ Tài chính cho biết, số liệu ước tính từ báo cáo của các thương nhân đầu mối, tính tới ngày 31/7, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ quý I/2021. Do đó, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.
Số dư tăng mạnh là do liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục trích lập vào quỹ từ đầu năm đến nay, trong khi mức chi ra "nhỏ giọt". Cụ thể, 3 lần chi với RON 95-III và E5 RON 92, lần lượt 1.453 đồng và 1.321 đồng; chỉ có một lần chi với dầu diesel là 300 đồng; dầu hỏa 400 đồng và 3 lần chi với dầu mazut 700 đồng.
Mặc dù vậy, đây chưa phải là mức kỷ lục của quỹ bình ổn khi có thời điểm quỹ này có số dư lên tới trên 10.000 tỷ đồng.
Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.
Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành (liên bộ Công Thương) quyết định.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó quy định mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu nêu trên được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu. Trong đó, điều chỉnh giảm hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dưới mức trên khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng trên 5% so với giá cơ sở xăng, dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Trường hợp cần thiết, điều chỉnh tăng mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn mức quy định khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố giảm trên 5% so với giá cơ sở xăng, dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc căn cứ trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm công bố giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Công Thương căn cứ số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu, diễn biến giá cơ sở xăng dầu và ý kiến của Bộ Tài chính để quyết định điều chỉnh tăng hoặc giảm mức trích lập cho phù hợp; Trường hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công Thương quyết định để áp dụng.
Thanh Hoa