Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng, tiếp cận bí mật nhà nước; quy định về tiêu chuẩn đối với người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước.
Về nội dung phân loại bí mật nhà nước (Điều 8); phạm vi bí mật nhà nước (Điều 9), một số ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc phân loại và bổ sung tiêu chí phân loại bí mật nhà nước; đề nghị rà soát, điều chỉnh một số lĩnh vực có thông tin “Tuyệt mật”, “Tối mật”.
Một số ý kiến khác lại đề nghị quy định cụ thể hơn cho phù hợp với tình hình thực tiễn và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; Bổ sung các lĩnh vực khác để bao quát đầy đủ, bổ sung cơ sở, địa điểm bí mật nhà nước.
Bên cạnh đó, lại có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định của Pháp lệnh hiện hành theo hướng phân loại bí mật nhà nước trên cơ sở kết hợp cả lĩnh vực và tính chất quan trọng của thông tin.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 8 và Điều 9 dự thảo Luật do Chính phủ trình theo hai hướng.
Về phạm vi bí mật nhà nước: quy định cụ thể những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong từng lĩnh vực phải là những thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nội dung điều luật này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu rà soát nội dung bí mật nhà nước tại 96 Danh mục bí mật nhà nước hiện hành trong các lĩnh vực của các cơ quan trung ương, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nội dung Điều này đã được gửi xin ý kiến 39 bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan trực tiếp đến việc lập danh mục bí mật nhà nước.
Về phân loại bí mật nhà nước: Kế thừa các quy định của Pháp lệnh hiện hành, điều luật được thiết kế thành 3 cấp độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật” theo từng lĩnh vực quy định tại Điều 7 cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở đó, để bảo đảm linh hoạt và rõ chủ thể chịu trách nhiệm, Điều 9 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước để quy định các loại thông tin được xác định là bí mật nhà nước theo từng độ mật làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức tạo ra thông tin bí mật nhà nước quyết định độ mật của bí mật nhà nước.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định thời hạn đối với trường hợp “khi sự việc, sự kiện đã được công bố công khai” và thời hạn bảo vệ đối với địa điểm, công trình có chứa bí mật nhà nước.
Phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, địa điểm bí mật nhà nước là một khu vực cụ thể, do đó hoạt động hỗ trợ có những nhiệm vụ riêng so với bảo vệ bí mật nhà nước là tài liệu mật mang bí mật nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động bí mật nhà nước chưa đề cập rõ vấn đề này
Vì vậy, bà Trang đề nghị thiết kế một điều mục riêng trong Chương 3 quy định hoạt động bí mật nhà nước đối với bí mật nhà nước.
UBTVQH cho biết, đã chỉ đạo bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 19 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Hoàng Hà