Trong hoạt động sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay, theo Bộ Công Thương, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học nằm trong số nhóm ngành sản xuất trọng điểm có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng 15,5%.
Sức tăng trưởng ấn tượng
Còn trong hoạt động xuất khẩu (XK), nhóm sản phẩm điện thoại, linh kiện có giá trị XK lớn nhất trong 5 tháng qua, đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch XK, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, XK nhóm mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 26%.
Nhóm ngành công nghệ ở Việt Nam đang có sức tăng trưởng ấn tượng, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cũng không ngừng tăng mạnh. |
Có thể thấy, với việc tiếp tục duy trì đà tăng cao như hiện nay, các nhóm hàng liên quan đến mảng công nghệ đang ngày càng khẳng định vị trí vững chắc về giá trị XK dẫn đầu ở Việt Nam.
Ngay cả trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay, điểm nhấn cũng được ghi nhận ở mảng công nghệ. Điển hình như hồi tháng 2/2021, Dự án LG Display Hải Phòng do LG Display Co., Ltd thuộc Tập đoàn LG Hàn Quốc làm chủ đầu tư được bổ sung vốn 750 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, màn hình OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD...
Sau lần tăng vốn này, dự án có tổng mức đầu tư lên đến 3,25 tỷ USD, là dự án có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn TP Hải Phòng. Sau khi đi vào sản xuất, LG Display Hải Phòng dự kiến tuyển thêm 5.000 lao động, đóng góp khoảng 5 triệu USD vào ngân sách nhà nước mỗi năm.
Hoặc có thể kể đến Dự án Nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd được tỉnh Bắc Giang trao chứng nhận đầu tư hồi đầu năm nay, có vốn đăng ký 293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm...
Trong Báo cáo thị trường công nghệ Việt Nam công bố mới đây, TopDev (công ty chuyên nghiên cứu về thị trường và nhân sự trong lĩnh vực công nghệ) nhận định, đang có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Đơn cử, Hindustan Computer Limited (HCL) - một trong 3 công ty công nghệ thông tin lớn nhất Ấn Độ (Top 5 công ty outsourcing hàng đầu thế giới) đã mở văn phòng tại Hà Nội vào đầu năm nay và bắt đầu hành trình phát triển tại Việt Nam. Trong kế hoạch đầu tư tại Việt Nam đến năm 2025, Phó Giám đốc HCL Sanjay Gupta cho biết, công ty sẽ xây dựng cơ cấu tổ chức với 8.000 lao động
Bước vào “cuộc đua chất xám”
TopDev dẫn số liệu cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghệ thông tin, bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài với tổng doanh thu ước tính khoảng 126 tỷ USD.
“Nhờ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và chiến lược chuyển đổi số quốc gia rõ ràng từ Chính phủ Việt Nam, chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng tốt với nhiều khu công nghệ thông tin, các khu công nghệ cao của Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ và công nghệ thông tin”, TopDep nhận định.
Hơn thế nữa, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, vị trí thứ 10 về sản xuất linh kiện điện tử. Hai điều này đã giúp cho nhóm ngành công nghệ trở thành nhóm ngành xuất siêu lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, phía sau những “cửa sáng” ở nhóm ngành công nghệ ở Việt Nam mặc cho tác động của những đợt dịch Covid-19, một thách thức lớn hiện nay nằm ở vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chẳng hạn như nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo thông tin từ TopDev, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này tại Việt Nam không ngừng tăng cao.
Báo cáo thị trường công nghệ thông tin năm 2020 của TopDev và tốc độ tăng trưởng số lượng lập trình viên tại Việt Nam dự báo, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý I/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.
Giới quan sát nhận định, sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu tuyển dụng làm việc. Đáng chú ý là hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của DN.
Không chỉ với lĩnh vực công nghệ thông tin, thực tế cho thấy từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên vào tháng 3/2020 cho tới nay, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhóm ngành công nghệ ở Việt Nam đã trải qua không ít giai đoạn khó khăn.
Với những “cửa sáng” của các DN công nghệ, cũng như việc ý thức cao và sự chuẩn bị cho các làn sóng chuyển đổi số ở Việt Nam, trước điểm yếu hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao, giới chuyên gia nhấn mạnh đã đến lúc cần tập trung bước vào “cuộc đua chất xám” nhằm giữ vững đà tăng trưởng cao cho nhóm ngành công nghệ trong thời gian tới.
Thế Vinh