Mới đây, Công ty Wee Digital - một startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) ở Tp.HCM, cho biết đã gọi vốn thành công khoản đầu tư 7 chữ số từ nhà đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc InterVest và VinaCapital Ventures (một phần của quỹ đầu tư VinaCapital tại Việt Nam).
“Chất xúc tác” để tiến xa
Khoản đầu tư mới sẽ cho phép Wee Digital mở rộng thị trường tại Việt Nam và phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính có tính đột phá. Chẳng hạn như việc hợp tác với các ngân hàng áp dụng giải pháp sinh trắc học cho một loạt các dịch vụ.
Dịch Covid-19 dường như lại là “chất xúc tác” để DN công nghệ tiến xa hơn, thậm chí gọi vốn nhanh hơn. |
Giới chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiêu dùng giảm sút, kinh tế xuống dốc, các nhà đầu tư dao động thì việc một startup Việt Nam gọi được vốn lên đến 7 chữ số (USD) là đáng chú ý. Đặc biệt, việc gọi vốn này được thực hiện rất nhanh, từ lần đầu tiếp xúc cho đến khi giải ngân đầu tư chỉ khoảng 3 tháng.
Ông Christian Nguyễn - Giám đốc điều hành Wee Digital chia sẻ: "Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với InterVest vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, nhờ vào tiềm năng thị trường to lớn cũng như nền tảng công nghệ của công ty nên đã có thể thực hiện khoản đầu tư rất nhanh chóng".
"Đây là công ty đầu tiên của chúng tôi đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) này cho thấy khả năng triển khai mạnh mẽ các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, có thể đột phá thị trường một cách hiệu quả", ông Junseok Kang - Giám đốc của InterVest nhận xét về thương vụ này .
Nhiều ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề ở Việt Nam gặp khó khăn, nhưng với các DN Fintech nói riêng và các công ty công nghệ nói chung thì hoàn toàn khác. Dịch bệnh dường như lại là “chất xúc tác” để DN tiến xa hơn, thậm chí gọi vốn nhanh hơn như trường hợp của Wee Digital.
Đơn cử như các công ty chuyên về dịch vụ thanh toán trực tuyến được cho là nằm ngoài danh sách bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nếu như năm 2016, tại Việt Nam chỉ có 40 công ty trong lĩnh vực này thì đến nay đã tăng gần 4 lần lên 140 công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có 32 đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đủ điều kiện kinh doanh.
Theo ý kiến của các chuyên gia ngân hàng, để phát triển mạnh các DN Fintech rất cần vốn đầu tư, từ công nghệ, thị trường cho đến nhân lực và cả người dùng. Song, Fintech vẫn là lĩnh vực mới ở Việt Nam và còn rất non trẻ nếu so sánh với mức độ phát triển trên thế giới.
Cơ hội tăng trưởng cao
Ngoài ra, có thể kể đến các DN công nghệ trong nhóm ngành kinh doanh kỹ thuật số - thương mại điện tử (TMĐT). Giáo sư Mathews Nkhoma - Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam cho biết, dịch bệnh đẩy mô hình kinh doanh truyền thống dịch chuyển sang trực tuyến, đưa mọi hàng hóa vốn trước đây chỉ bán trực tiếp ở cửa hàng lên sàn trực tuyến.
Nhiều nhận định cho thấy giao dịch qua TMĐT ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, sau đại dịch có thể nhanh chóng cạnh tranh mạnh mẽ với bán lẻ truyền thống, và thành tương lai của bán lẻ hiện đại.
Ông Nkhoma trích dẫn báo cáo của Savills, chỉ ra rằng TMĐT đang tấn công mạnh mẽ vào bán lẻ truyền thống với 28% các nhà bán lẻ kết hợp cả hai kênh để tăng doanh số.
“Trong khi TMĐT dùng công nghệ như một nền tảng hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn, kinh doanh kỹ thuật số lại dùng công nghệ làm cốt lõi để tạo ra giá trị và trải nghiệm. Grab, GoViet hay ví điện tử Timo chính là những ví dụ điển hình”, ông Nkhoma nói.
Hay như các DN trong nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Báo cáo về kỹ thuật số Digital 2019 của We Are Social và Hootsuite (những DN hàng đầu về sáng tạo và quản lý mạng xã hội) cho thấy, 97% người Việt đang sử dụng điện thoại di động, 72% có điện thoại thông minh, 43% có máy tính và 13% có máy tính bảng.
Chính thói quen giải trí, xem video và mua sắm trực tuyến của người dùng là “cơ hội vàng” cho các DN nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số tăng trưởng cao.
Đặc biệt, việc chuyển phần lớn các hoạt động làm việc, vui chơi giải trí, kinh doanh sang nền tảng trực tuyến suốt thời dịch Covid-19 đã chứng tỏ đây là nhóm ngành ít bị ảnh hưởng nặng nề.
“Điều đó càng khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số tăng mạnh mẽ hơn. Nhóm ngành này dường như không chỉ an toàn trước đại dịch, mà còn được nhận định là rất an toàn trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0”, chuyên gia Đại học RMIT chia sẻ.
Báo cáo của công ty chuyên về tuyển dụng TopDev chỉ ra rằng, các DN ngành công nghệ thông tin ít có nguy cơ dư thừa nhân sự so với nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hơn thế, tại thị trường Việt Nam, hiện có rất nhiều startup lớn nhỏ đang phát triển các dự án tiềm năng liên quan đến trực tiếp đến trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (học máy - một lĩnh vực của AI) tạo được nhiều giá trị đột biến cho toàn ngành công nghệ nói chung.
Ngoài ra, như nhận định của TopDev: "Chính phủ ngày một mở rộng cánh cửa hợp tác với các công ty công nghệ nước ngoài. Đấy là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm đúng lúc và cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc thúc đẩy số hóa và ứng dụng công nghệ vào đa dạng ngành nghề".
Thế Vinh