Nhất trí với phương án thu phí bảo trì đường bộ để cùng chia sẻ gánh nặng và thể hiện trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông với Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp (DN) vận tải đều cho rằng việc áp dụng thời hạn thu từ ngày 1/6/2012 với mức thu ô tô từ 180.000 - 1.440.000 đồng/tháng sẽ là gánh nặng rất lớn cho các DN vận tải.
Công ty vận tải Giang Anh (Hải Phòng) có 120 đầu xe container chuyên vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, nếu phải nộp phí từ ngày 1/6, công ty sẽ phải đóng phí mỗi đầu xe là 1.440.000 đồng trong 6 tháng cuối năm 2012, tương đương trên 1 tỷ đồng.
“DN không phải chùm khế ngọt”
Đại diện của Công ty vận tải Giang Anh cho biết: trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vừa phải lo trả nợ ngân hàng với lãi suất cao, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sau Tết chưa được cải thiện nhiều, DN vẫn phải đóng rất nhiều khoản phí cả chính thức lẫn phi chính thức, nay lại phải lo hơn 1 tỷ đồng để đóng phí bảo trì đường bộ là một áp lực rất lớn.
Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thiên Phong, chủ hãng taxi Thành Công, nói: “Chung tay đóng góp xây dựng hạ tầng là trách nhiệm của người dân và DN. Tuy nhiên, việc thu phí cần phải xây dựng lộ trình thực hiện để DN có sự chuẩn bị, phí phải được sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, như vậy, việc đóng phí mới có ý nghĩa và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng DN”.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải và dịch vụ Hoàng Hà cho rằng DN vận tải vừa chịu cú sốc tăng giá xăng dầu, nay lại thêm phí bảo trì đường bộ với mức 1.440.000đồng/tháng/xe là “quá sức” với DN trong tình hình khó khăn hiện nay.
Đại diện của các hãng xe chạy hợp đồng thẳng thắn nói: “Các DN phải chịu khoản phí cao trong thời điểm hiện nay là hết sức khó khăn. DN không phải là chùm khế ngọt, nếu cứ bị thu hết loại phí này đến loại phí khác thì... khó sống nổi!
“Một DN có hơn 100 đầu xe, từ tháng 6 sẽ phải mất thêm 1.400.000 đồng một xe mỗi tháng, DN lấy đâu ra tiền để tiếp tục kinh doanh nếu không điều chỉnh giá cước? Như vậy, người chịu thiệt cuối cùng chính là người dân” - ông Ngọc bức xúc nói.
Ở một góc độ khác, một số DN cho rằng việc thu phí theo kiểu “cào bằng”, đánh đồng theo đầu xe là bất hợp lý. Theo ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm HTX vận tải Bắc Nam, “có thời điểm gần nửa số xe của DN phải đi bảo dưỡng, sửa chữa đến vài tháng, hoặc có xe chạy nhiều tuyến, có xe ít tuyến, nếu thu theo đầu xe là không công bằng”.
Kiến nghị lùi thời hạn thu phí
Trước những áp lực thu phí cao với thời hạn thi hành quá sớm, mới đây Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã gửi văn bản kiến nghị xin lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đến đầu năm 2013 và giảm mức phí xuống còn 60% so với mức dự kiến như hiện nay.
Theo giải thích của Hiệp hội, trong văn bản dự thảo về Năm an toàn giao thông 2012 có kế hoạch xây dựng các văn bản, pháp luật, đề án với 12 loại văn bản nhưng không có danh mục thu phí bảo trì đường bộ. Bởi vậy, việc Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng đề án thu phí bảo trì đường bộ vào cuối tháng 12/2011 và Thủ tướng ký quyết định vào ngày 13/3/2012, có hiệu lực vào ngày 1/6 đã tạo nên nhiều “bất ngờ”, trong khi cho DN vận tải chưa chuẩn bị về tâm lý và tài chính để thực hiện.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội, cho rằng đây là điều “không thuận lòng dân” và đưa ra nghịch lý: Nghị quyết 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp DN vận tải giảm bớt phiền hà và hạn định đến ngày 30/3/2011 là phải hoàn tất, nhưng đến nay, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn chưa xong. Trong khi đó, Nghị định thu tiền của DN đột ngột đưa ra và... nói là làm ngay”.
“DN vận tải hiện đang phải chịu nhiều sức ép về tài chính, các nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu đều tăng. Đến trước ngày 1/7, DN phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình với mỗi đầu xe gần 7 triệu đồng. Do đó, nếu ngày 1/6 đã phải nộp phí hàng nghìn tỷ đồng sẽ không chỉ ảnh hưởng tới DN mà ảnh hưởng tới cả xã hội” - ông Danh nói.
Bên cạnh kiến nghị đến đầu năm 2013 mới thực hiện thu phí bảo trì đường bộ với mức thu bằng 60% mức đề nghị hiện nay, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cùng các DN còn khuyến nghị, cần thay đổi hình thức thu phí để tạo sự công bằng. Theo đó, nên sử dụng phương tiện hiện đại như gắn chip trên phương tiện hoặc thu phí bằng thẻ để tính phí theo số km.
=== ==== ====
Sử dụng minh bạch các khoản phí
Ông Bùi Danh Liên,
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội
------------------------------------
Thu phí giao thông là bảo vệ quyền lợi người dân, tại sao lại không có thời gian giải thích rõ, minh bạch? Bởi trong xã hội còn có những nghi ngờ về việc sử dụng các khoản phí. Đây là phí do nhân dân đóng góp nên nhân dân phải được hưởng lợi từ khoản phí này. Do đó, bên cạnh việc xây dựng lộ trình thu phí phù hợp cần bảo đảm tính minh bạch, có kế hoạch chi tiêu cụ thể để làm sao đồng vốn đó được đưa vào hạ tầng, bảo dưỡng đường, làm thêm đường mới để giao thông thuận lợi. Nếu làm được như vậy, chắc chắn người dân hoàn toàn ủng hộ.
Có cơ chế riêng cho DN vận tải
Ông Trần Quốc Khải,
Chủ nhiệm HTX vận tải Nội Bài
------------------------------------
Hiện chúng tôi có 250 đầu xe cả vận tải hàng hóa và hành khách, phải chịu rất nhiều loại thuế, phí như lệ phí trước bạ, phí môi trường, phí lưu thông, hoạt động ở sân bay Nội Bài phải chịu phí nhượng quyền, phí sân đỗ, gửi xe... Nếu tiếp tục phải chịu thêm phí bảo trì đường bộ sẽ tạo thêm gánh nặng, DN không chịu được và phải điều chỉnh giá cước. Tăng giá cước vận tải sẽ ảnh hưởng toàn xã hội, đến chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. Do vậy, đề án thu phí cần được nghiên cứu kỹ và có lộ trình.
DN vận tải có đặc thù riêng, cơ chế và trách nhiệm, nghĩa vụ riêng để xây dựng, bảo dưỡng đường nên cần có mức thu riêng. Nhiều nước trên thế giới hoạt động vận tải công cộng luôn được ưu tiên bù giá hoặc trợ giá rất nhiều, có nơi đến 40%. Ở nước ta, xe bus được bù giá nhưng taxi không những không được trợ giá mà còn bị xem là phương tiện cá nhân.
Xây dựng lộ trình thu phí
Ông Trịnh Xuân Đức,
Giám đốc Công ty Anh Đức
------------------------------------
Đồng ý nên thu phí bảo trì đường bộ, nhưng thu như thế nào, thu mức bao nhiêu, thu lộ trình như thế nào, chứ không phải là đưa ra là thu ngay, DN chuẩn bị ra sao? Thu nhập của người dân Việt Nam đang thấp mà áp dụng mức thu của nước ngoài thì người dân không thể gánh được. Do đó, chúng tôi đề nghị gộp khoản phí bảo trì đường bộ vào phí lưu thông hoặc phí xăng dầu. Ví dụ, DN mua nhiên liệu đến đâu, sẽ đóng phí đến đấy. Nếu DN phải đóng ngay một năm hàng trăm triệu đồng thì không đủ sức!
Cẩm An
Xe taxi, du lịch vẫn phải đóng phí hạn chế phương tiện Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị Bộ GTVT loại trừ thu phí hạn chế phương tiện đối với xe của doanh nghiệp như taxi, xe chở khách du lịch..., Bộ GTVT khẳng định, vẫn đưa các loại xe này vào diện chịu phí hạn chế phương tiện. Các doanh nghiệp vận tải đã có ý kiến về việc xem xét đưa taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng và làm rõ khái niệm tách biệt giữa xe cá nhân - xe kinh doanh để không cào bằng và đánh đồng chung mức phí. Tại Tờ trình số 1818/BGTVT-TC về việc báo cáo bổ sung đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT loại trừ thu phí hạn chế phương tiện đối với xe của doanh nghiệp như taxi, xe chở khách du lịch... Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng một số phương tiện về bản chất là xe cá nhân nhưng theo hình thức thuộc sở hữu doanh nghiệp, tổ chức. Do vậy, Bộ GTVT vẫn đưa các loại xe này vào diện chịu phí hạn chế phương tiện. Cụ thể, đối tượng thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn sẽ là ôtô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công (xe cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an) và xe buýt. Theo Bộ GTVT, đến ngày 31/10/2011, có 612.691 xe chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân. Các xe này phần lớn sử dụng cho mục đích cá nhân, tuy một số xe hoạt động vận tải taxi nhưng khối lượng vận chuyển không lớn. Do vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành sản xuất kinh doanh. Đức Dũng |