Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/1973. Năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó có Pháp. Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Điện Elysee ngày 7/10. Ảnh: TTXVN. |
Trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU, chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo. Mặc dù vậy, tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng lượng hàng nhập khẩu của Pháp.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng trưởng, đạt gần 7 tỷ euro (7,45 tỷ USD) vào năm 2021 và lên tới 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022.
Đặc biệt, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.
Về hoạt động đầu tư, Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cũng đứng thứ hai trong số các nước nhận viện trợ phát triển (ODA) của Pháp ở châu Á.
Tổng vốn đầu tư của Pháp vào Việt Nam từ năm 1993 đến nay là hơn 18,4 tỷ USD. Thời gian gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn gấp ba lần, từ khoảng 1,6 tỷ USD năm 2009 lên 5,3 tỷ USD năm 2019.
Ngày 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Elysee, Paris. Hai lãnh đạo tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam. Bên cạnh những hợp tác về chính trị, quốc phòng…, chuyến thăm này sẽ mở ra chương mới cho quan hệ thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Pháp.
Với những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, cả hai nước được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự thịnh vượng hơn nữa và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
Bà Đinh Thị Ngọc Linh, Viện Nghiên cứu Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, quan hệ Việt Nam - Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng lẫn về chất. Những kết quả tích cực đạt được cùng nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối hợp tác sâu rộng hơn.
“Có thể thấy với những kết quả đạt được, trên nhiều lĩnh vực cụ thể vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác cần được khai thác nhiều hơn, nhất là trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp, một điểm sáng trong quan hệ song phương nhưng còn khá hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên. Để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam và Pháp cần có những bước đi nhằm cụ thể hóa mong muốn và nhu cầu của hai bên” – bà Linh nói.
Anh Đức