Ngày 6/12/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) với chủ đề “Diễn đàn đầu tư nước ngoài (ODA) vào nông nghiệp”. Sự kiện có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nêu thực tế, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và không còn được hưởng mức lãi suất thấp, số lượng dự án và giá trị nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp đã giảm đi rõ rệt, cùng với đó là các hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn không hoàn lại cũng giảm. Đối với Bộ NN-PTNT, kể từ năm 2019 đến nay, chưa dự án mới nào được đàm phán, ký kết.
Kể từ năm 2019 đến nay, Bộ NN-PTNT chưa dự án mới nào được đàm phán, ký kết. |
Theo ông Lê Minh Hoan, tỷ lệ nguồn vốn ODA trong tổng số nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ có thời điểm xấp xỉ 50%. Hầu hết vốn vay ODA đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm,… Hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ Trung ương đến địa phương.
Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, năng suất chất lượng cao, bền vững, có sức cạnh tranh cao; đồng thời với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải; nhu cầu hợp tác với các đối tác quốc tế rất lớn và đa dạng, không chỉ nhu cầu về vốn mà còn rất cần các hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, kiến thức cho đầu tư phát triển giai đoạn tới...Trong khi ngân sách nhà nước vẫn chưa thể phân bổ đủ cho các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và PTNT.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2024, trong bối cảnh nguồn ODA và vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm, chuyển sang các loại hình đầu tư và hỗ trợ khác trong khi ngân sách nhà nước vẫn chưa thể phân bổ đủ cho các nhiệm vụ của ngành NN-PTNT.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, nhu cầu về vốn vay ODA của Việt Nam còn rất lớn. Bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Theo ước tính, Việt Nam cần vay khoảng 10 tỷ USD từ nguồn ODA. Nguồn vốn này không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mà còn đầu tư vào những “phần mềm” như đào tạo, tập huấn kỹ thuật…
Theo bà Sherman, quan điểm này phù hợp với cách tiếp cận của WB. Tổ chức này không chỉ là một tổ chức tín dụng đơn thuần, mà còn cung cấp đa dạng các yếu tố đầu vào như chuyên gia, kỹ thuật… đến chia sẻ với các quốc gia.
“Chúng tôi mong muốn có thể hỗ trợ một gói đồng bộ, cả phần cứng lẫn phần mềm”, lãnh đạo WB chia sẻ về phương án gỡ nút thắt về sự sụt giảm hiệu quả vay ODA. Bà cho rằng, những cách tiếp cận toàn diện, tổng thể như vậy sẽ là hình mẫu để WB triển khai các dự án ODA giai đoạn 2026-2030.
Ngoài đề xuất này, Giám đốc quốc gia WB đề xuất phối hợp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng cùng xây dựng một mạng lưới đối tác phát triển tại Việt Nam, để cùng triển khai một cách có hiệu quả hơn các dự án sắp tới.
Trong khi đó, ông Shantanu Chakrabory, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy sinh kế ở nông thôn, cũng như tăng cường khả năng chống chịu ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như các khu vực hải đảo, ven biển.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, năng suất còn thấp, khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường còn yếu, đó sẽ là những vấn đề cần được ưu tiên trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới các khu vực dễ bị tổn thương như nông thôn, vùng có tỷ lệ nghèo cao, ven biển và hải đảo, hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa nhằm giảm phát thải; tư vấn chính sách cũng như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về suy thoái đất, cải tạo đất.
"ADB cam kết đồng hành và hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới, tập trung vào các dự án hỗ trợ quy mô lớn nhằm giúp Việt Nam chuyển đổi thành công mô hình kinh tế của mình" - ông Shantanu Chakrabory khẳng định.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỷ lệ nguồn vốn ODA trong tổng số nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ có thời điểm xấp xỉ 50%. Hầu hết vốn vay ODA đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm,… Hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ Trung ương đến địa phương. Dự kiến kế hoạch đầu tư công các dự án mới sử dụng vốn nước ngoài giai đoạn 2026-2030 khoảng 2,16 tỷ USD, gồm có: 1. Chuyển tiếp từ giai đoạn 2021-2025 và dự kiến hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026-2030: khoảng 161 triệu USD. 2. Dự án đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2026 -2030 khoảng 2 tỷ USD, gồm: Nhóm dự án đã duyệt Đề xuất hoặc/và Chủ trương đầu tư dự án gồm 5 dự án: khoảng 740 triệu USD; Nhóm dự án đang trình phê duyệt Đề xuất dự án gồm 7 dự án: 1.260 triệu USD. |
Hồng Hương