Tại buổi chất vất của Quốc hội ngày 31/10, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề về việc sử dụng vốn ODA và yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT giải trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), đặt câu hỏi về sử dụng vốn ODA tới Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: "Có ý kiến cho rằng có đến 90% dự án ODA mất trung bình 6 – 16 tháng để phê duyệt. Nếu mỗi dự án có kinh phí trung bình là 1-2 triệu USD, chỉ với 100 dự án, Nhà nước đã mất khoảng 50 –100 triệu USD/năm vì thủ tục. Bộ trưởng bình luận như thế nào về ý kiến này?".
Quy trình chặt, vẫn thiếu hiệu quả
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nguyên tắc sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài, đây là một nguồn ngân sách của Nhà nước cho nên sử dụng phải đảm bảo tính hiệu quả và phải nằm trong trần nợ công, nợ Chính phủ mà Quốc hội đã cho phép.
Quy trình, thủ tục được thiết kế hết sức chặt chẽ gồm 4 bước: Đề xuất dự án; phê duyệt chủ trương; quyết định đầu tư; ký kết hiệp định và triển khai dự án. Bốn quy trình này đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Trên thực tế các quy trình này sẽ phức tạp hơn, bởi bên cạnh quy trình ở trong nước còn phải thực hiện các yêu cầu quy định của các nhà tài trợ nước ngoài nên quy trình trong một dự án thường kéo dài hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, thời gian chuẩn bị dự án không phải chỉ 6 tháng, trung bình hiện nay khoảng 2-3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới có thể xong được các quy trình này.
"Chuẩn bị dự án càng kỹ càng tốt, chất lượng càng cao, khi triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí, đó là yêu cầu và cũng là thông lệ của quốc tế", Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ này đang hướng tới tăng cường khâu chuẩn bị dự án để khi ký hiệp định, lúc đó mới bắt đầu phát sinh chi phí. Đó là phí lãi vay và phí cam kết, nếu chuẩn bị dự án không tốt thì khi thực hiện sẽ kéo dài, làm phát sinh chi phí và chúng ta phải chịu chi phí này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận, trong xử lý thì chất lượng hồ sơ còn chưa tốt, thiếu, chưa đầy đủ, giải trình nhiều lần. Các bộ, các cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán và chưa rõ, chung chung nên khi tổng hợp để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng làm mất thời gian.
"Về phần này, chúng tôi nhận trách nhiệm sẽ rà soát, đôn đốc, làm sao giải quyết thủ tục minh bạch và nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ", Bộ trưởng cho biết.
Trước câu trả lời này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) tranh luận: "Tại kỳ họp thứ 5, tôi đã nêu ra vấn đề 400 tỷ đồng vốn ODA Hàn Quốc ở nhà máy xử lý rác ở Đồ Sơn (Hải Phòng) không hiệu quả. Hiện nay, Hải Phòng đã "è cổ" ra trả nợ 200 tỷ đồng, còn nợ 200 tỷ đồng nữa. Vấn đề này, chúng ta đang nói đến câu chuyện là tại sao quy trình phê duyệt phức tạp như thế? Bộ trưởng nói rằng chúng ta làm thủ tục chặt chẽ nhưng thực tế vốn vẫn không hiệu quả. Tôi đề nghị từ kỳ họp thứ 5 đến bây giờ là chúng ta phải xem xét, rà soát lại tất cả những vấn đề liên quan đến công nghệ xử lý rác, để đảm bảo xử lý, tránh thất thoát nguồn vốn ODA này", đại biểu Nhưỡng nói.
Quy trình thủ tục chặt chẽ nhưng sử dụng vốn ODA vẫn thiếu hiệu quả |
Vấn đề nằm ở xử lý?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) tranh luận, việc phê duyệt dự án ODA quá lâu đặt ra bài toán chi phí cơ hội. Trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn về tài chính, có được nguồn ngân sách tài trợ, đặc biệt là vốn ODA không hoàn lại thì càng đáng quý. Nhưng khi làm thủ tục tiếp nhận gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thủ tục trong nước gây ra như yêu cầu tổ chức nhận vốn ODA phải có cơ quan chủ quản, trong khi luật pháp không quy định mà văn bản dưới luật tạo ra rào cản này.
Đại biểu Thúy dẫn chứng, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng đăng ký là tổ chức khoa học, công nghệ theo Nghị định 81 đã thực hiện tốt giai đoạn 1 của dự án phòng, chống HIV/AIDS được Chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ giai đoạn 2 qua đấu thầu kinh phí là 4,5 triệu USD. Trung tâm mất 21 tháng với khoảng 60 văn bản gửi các nơi liên quan, đến nay mới xong được 1/3 giai đoạn phê duyệt. Điều này khiến nhà tài trợ là Đại sứ quán Mỹ cũng sốt ruột, phải gửi thư đến chính quyền vì không thể hiểu nổi các thủ tục phiền toái của Việt Nam.
Qua phần trả lời của Bộ trưởng về câu chất vấn của đại biểu Thúy trước đó, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cũng cho rằng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trả lời chưa được thỏa đáng.
Đại biểu này chia sẻ: Bộ trưởng nói thời gian chuẩn bị cho việc đầu tư các dự án theo nguồn vốn ODA từ 2 – 3 năm, như vậy thì càng kỹ và càng có hiệu quả. Tuy nhiên, việc giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ rõ những hạn chế cần phải khắc phục và cũng đã có nghị quyết để đưa ra những nội dung cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Về thực trạng trong việc đầu tư của dự án ODA, đúng là thời gian kéo dài từ 2 – 3 năm nhưng lý do ở đây là: hệ thống pháp luật chưa được đầy đủ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; năng lực thực hiện các điều kiện ràng buộc của các đơn vị tư vấn theo yêu cầu của nhà tài trợ còn hạn chế; việc cung cấp các thông tin, công khai minh bạch các thông tin về vốn ODA; sự phối hợp giữa các Bộ, giữa Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng như các Bộ ngành có liên quan để phê duyệt các dự án ODA, nguồn vốn vay ODA rất phức tạp, bất cập và kéo dài thời gian.
"Do vậy, Nghị quyết của Quốc hội sau giám sát cũng đã đưa ra các nội dung cần phải khắc phục các hạn chế này để đẩy nhanh việc huy động cũng như quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới", đại biểu Lan nói.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết "Quy trình và thủ tục là như vậy. Tuy nhiên, vừa qua, Quốc hội đã có một nghị quyết giám sát để khắc phục những bất cập xung quanh việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề xử lý phối hợp giữa các bộ, ngành, tôi cho đây là vấn đề quan trọng nhất. Đây không phải vấn đề về thể chế mà là vấn đề chúng ta xử lý".
"Vừa rồi, tôi đã báo cáo vẫn đang còn chậm, thiếu thống nhất, đôi khi còn chung chung. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị hồ sơ, chủ đầu tư và các cơ quan xem xét, xử lý tham gia", Bộ trưởng phân trần.
Trước đó, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy tính đến hết tháng 6/2017 có 810 chương trình, dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định ký kết từ nay đến hết năm 2026.
Tuy nhiên sẽ tập trung vào giai đoạn 2017-2020 khối lượng lớn là 17,485 tỷ USD, để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này, trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.
Lê Thúy
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Bộ KH&ĐT cần phải tổng kết, đánh giá xem quy trình, thủ tục phê duyệt như vậy trung bình hết bao nhiêu thời gian ở tất cả các cấp và toàn bộ thời gian đó gây tốn kém, thất thoát cho Nhà nước là bao nhiêu tiền. Tôi muốn nói rằng tại sao vốn ODA không hoàn lại phải phê duyệt phức tạp như vậy để làm gì, trong khi vốn vay lại để tràn lan, vô cùng lãng phí mà Bộ thì hoàn toàn không biết hiệu quả của đồng tiền vay. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình Dự án ODA của nước ngoài, họ phê duyệt rất cẩn thận không những 1 năm mà có thể 5 năm hoặc 10 năm, khi có dự án được đầu tư tiền thì làm rất nhanh. Chúng ta phải học tập điều này, nếu làm dự án như Việt Nam hiện nay, hiệu quả không chắc chắn, cuối cùng vốn phải nâng lên gấp 2-3 lần. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Nguyễn Chí Dũng Liên quan đến ODA không phải chỉ có Bộ KH&ĐT, bên cạnh đó còn có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác. Vấn đề này, chúng tôi cùng với các bộ sẽ cố gắng để làm sao nhanh, thuận lợi và minh bạch hơn nhưng vẫn đảm bảo thận trọng theo quy trình pháp luật quy định. |