Ghi nhận mới đây từ ngành chế biến xuất khẩu (XK) cá ngừ, mực bạch tuộc và cá biển khác cho thấy đều có chung nút thắt là thiếu nguyên liệu. Nhất là khi sản lượng khai thác trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu.
Gây hoang mang cho doanh nghiệp
Thế nhưng, quy định mới (có liên quan đến việc kiểm soát IUU) trong Nghị định số 37/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 19/5/2024, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản) lại đang chứa đựng một số vấn đề trái khoáy. Điều này khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.
Khâu chính sách cần tránh những quy định bất cập, không hợp lý để không ảnh hưởng tiêu cực, làm cho nguyên liệu chế biến của các DN bị tắt nghẽn. |
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), đưa ra ví dụ liên quan đến nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu, quy định tại Nghị định 37/2024 yêu cầu thông báo, khai báo hồ sơ trước khi cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu container là không khả thi.
Như phản ánh của các doanh nghiệp (DN) thủy hải sản, cả 2 mốc thời gian nêu trên là quá dài, không phù hợp cho những chặng vận chuyển ngắn của tàu và container. Bởi vì nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu từ các nước Đông Nam Á, thời gian tàu vận chuyển hàng đến cảng Việt Nam chỉ chưa đầy 2 ngày (48 giờ).
Còn với hàng hoá nhập khẩu bằng container, khi hàng lên tàu ở cảng xuất thì DN mới có thông tin để làm hồ sơ, chứng từ. Do đó, DN nhập khẩu nguyên liệu không có cách nào để khai báo trước 48 giờ hay 72 giờ như quy định. Vì thế, các DN cho rằng sẽ phù hợp hơn nếu quy định thông báo trước thời điểm thông quan thay vì thông báo trước khi cập cảng.
Mặt khác, tại điều 70b, mục 6, điểm c của Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định: Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng XK. Trong khi đó, Nghị định 38/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/5/2024 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản) chỉ đề cập đến việc xử phạt hành vi trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước nhưng không đề cập đến cụm từ “cùng một lô hàng xuất khẩu”.
Và quy định này đang gây hoang mang cho DN vì không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong cùng một lô hàng được hiểu như thế nào mới đúng? Vì 2 nghị định trên và cả ở Luật Thuỷ sản hiện hành cũng không có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu”.
Thực tế, đối với DN hải sản việc sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và nhập khẩu là hoàn toàn bình thường, miễn sao DN truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, có đầy đủ các giấy SC, CC…
Đặc thù nhiều DN hải sản làm hàng phối trộn hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng điển hình như hải sản xiên que bao gồm nguyên liệu từ cá ngừ, cá dũa...có loài xuất xứ từ khai thác trong nước, có loài từ nguồn nhập khẩu, mặc dù truy xuất được từng loại nguyên liệu, thế nhưng quy định “không trộn lẫn nguyên liệu” trong Nghị định 37 khiến DN lo ngại. Một số DN băn khoăn với khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu”, vì hầu hết DN đều XK thủy sản “thành phẩm” chứ không phải thủy sản “nguyên liệu”.
Hoặc như các DN xuất khẩu tinh dầu quế cũng đang gặp khó khăn do vướng các quy định về kinh doanh dược liệu của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021. Điều này khiến cho hàng trăm tấn tinh dầu đang bị tồn kho ở vùng nguyên liệu (nhất là ở hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái) từ cuối năm 2023 đến nay.
Nhất là từ tháng 11/2023, Bộ Y tế có yêu cầu các mặt hàng thuộc nhóm tinh dầu quế khi XK phải thực hiện khai báo theo mã HS 3301.29.10 (mã HS của nhóm tinh dầu quế, sả, gừng…) theo quy định pháp luật về dược. Và khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan hải quan yêu cầu DN xuất trình giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược.
Chính từ việc áp theo một mã duy nhất là mã về dược liệu đã vô tình làm khó cho các DN tinh dầu quế. Hệ lụy là người dân trồng quế không bán được sản phẩm, còn lượng hàng tồn kho của các công ty lại ngày càng tăng.
Tránh những điểm bất cập và không hợp lý
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản phẩm tinh dầu quế XK hiện nay chủ yếu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, không sử dụng làm thuốc. Thực tế, công nghệ chế biến của các DN trong ngành sản xuất tinh dầu quế cũng chưa đủ năng lực sản xuất tinh dầu để làm thuốc.
Tuy nhiên, như phản ánh của VPSA, các DN này lại đang phải thực hiện theo quy định về kinh doanh dược liệu. Điều đó làm phát sinh nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Liên quan vấn đề nêu trên, hôm 10/5/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Ngoài ra, có thể kể thêm trường hợp nhập khẩu điều nguyên liệu của các DN chế biến hạt điều đang gặp vướng mắc quy định về quản lý chuyên ngành theo công văn số 906/BVTV-ATTPMT từ năm 2018 của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).
Theo đó, các DN nhập hạt điều nguyên liệu có xuất xứ từ một số quốc gia Châu Phi về làm hàng sản xuất XK đã không thể làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa được. Bởi lẽ, theo quy định, để có thể mở tờ khai hải quan theo loại hình chuyển tiêu thụ nội địa thì DN phải hoàn thành việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu nhập khẩu.
Thế nhưng, theo Công văn số 906/BVTV-ATTPMT, các nước châu Phi mà DN nhập khẩu nguyên liệu lại không nằm trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức, cá nhân được XK các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Cho nên cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm đã không tiếp nhận kiểm tra chuyên ngành đối với các trường hợp như vậy.
Điều đó khiến cho nhiều DN chế biến hạt điều dễ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật trong việc tự ý xử lý nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi khi chuyển sang tiêu thụ nội địa (để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp thị trường XK gặp khó). Như ghi nhận gần đây của Cục Hải quan Tp.HCM, số lượng DN nhập khẩu nguyên liệu điều phục vụ XK vi phạm tiêu thụ nội địa là khá nhiều, đặc biệt là từ các quốc gia châu Phi.
Chính vì thế, một trong những giải pháp từ khâu chính sách để tháo gỡ cho việc này là nên cho phép thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành nếu DN thay đổi mục đích sử dụng đối với mặt hàng điều xuất xứ châu Phi.
Xét chung, để tránh tình trạng tắc nghẽn nguyên liệu từ những quy định có tính chất trái khoáy như kể trên thì các bộ, ngành có liên quan cần rà soát, linh hoạt điều chỉnh. Đây là điều mà các DN chế biến đang rất cần để không phải băn khoăn, lo ngại về việc tuân thủ những quy định bất cập và không hợp lý, gây hệ lụy tiêu cực cho việc sản xuất, tồn kho vùng nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Thế Vinh