Với vị trí là một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về xuất khẩu (XK) các loại bánh sang các thị trường cao cấp, tuy nhiên, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) nhấn mạnh công ty vẫn không hề lơ là trên thị trường “sân nhà”.
Hóa giải bằng mối liên kết với chuỗi bán lẻ
Chính vì vậy, với thị trường nội địa (đang chiếm hơn 60% tổng doanh số của công ty), ông Lực cho biết phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng. Nhất là trong quá trình làm ra sản phẩm, một trong những điều tiên quyết là phải nghiên cứu, đầu tư về nguyên liệu mới từ nguồn nông sản trong nước để đưa vào trong các dòng bánh của mình.
Các nhà XK nông sản thực phẩm khi quay về “sân nhà” cần có được mối liên kết chặt chẽ với các nhà bán lẻ trong nước. |
Không những thế, theo ông Lực, mỗi sản phẩm mới được làm ra cũng chú trọng đến từng thế hệ người tiêu dùng nội địa (đặc biệt là thế hệ trẻ). Và công ty cũng tận dụng lợi thế của mình là mạnh dạn đầu tư vào quy trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Còn với góc nhìn của một DN hàng đầu về XK tôm, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), cho biết đang kỳ vọng gia tăng thị phần ở thị trường nội địa lên 5 - 10% (thị phần tôm của Minh Phú tại thị trường nội địa hiện chỉ chiếm khoảng 0,5%) thông qua việc liên kết với một chuỗi bán lẻ lớn là Bách Hóa Xanh (BHX).
Cụ thể, hồi gần cuối tháng 3/2024, phía BHX đã ký kết hợp tác chiến lược với MPC để bán sản phẩm tôm tiêu chuẩn xuất khẩu trong chuỗi gần 1.700 cửa hàng bán lẻ của họ. Qua đó, phía MPC hướng đến mục tiêu bán 3.000 tấn tôm/năm với doanh thu 500 tỷ đồng trên thị trường “sân nhà”.
Ông Quang cũng thừa nhận là trước giờ chỉ tập trung vào XK và chưa chăm lo kỹ càng cho thị trường nội địa. Lượng tôm bán trong nước chỉ chiếm chưa đến 1% doanh thu của công ty, hơn 99% còn lại là doanh thu từ XK. Do đó, việc hợp tác với hệ thống bán lẻ rộng khắp như vậy sẽ giúp tôm Minh Phú đến gần hơn với thị trường trong nước.
Cần nhắc thêm, hồi năm rồi, một nhà XK thủy sản khác là CTCP Nam Việt (ANV) với doanh thu XK chiếm tới 93% tổng doanh thu các sản phẩm từ cá, đã bắt tay với chuỗi bán lẻ BHX nhằm mở rộng thị trường nội địa với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh. Nhất là hướng đến phân phối tại cả khu vực miền Bắc thay vì chỉ tại khu vực miền Nam như thời gian trước đó.
Có thể nói việc hợp tác giữa các nhà XK thủy sản với chuỗi bán lẻ được xem là hướng đi đúng khi muốn chiếm lĩnh “miếng bánh” thị phần trên sân nhà nhằm bù đắp vào khoản sa sút của XK vốn còn gặp nhiều khó khăn.
Việc hợp tác này, theo giới chuyên gia đánh giá là giúp cho cả ba chủ thể cùng thắng. Thứ nhất chủ thể chuỗi bán lẻ sẽ có được nguồn cung sản phẩm chất lượng với mức giá vừa phải từ các “ông lớn” XK, từ đó kéo được thêm khách hàng. Thứ hai là có lợi cho nhà XK khi đầu ra thông qua chuỗi bán lẻ giúp trôi chảy hơn, tránh được sụt giảm doanh thu và gia tăng được lợi nhuận. Thứ ba là mang lại lợi ích cho nông dân khi hạn chế được nỗi lo tắc đầu ra, để từ đó yên tâm thả giống, nuôi trồng. Và từ đó hướng đến ổn định nguồn nguyên liệu không chỉ cho sản xuất tiêu thụ nội địa mà còn cho chế biến XK.
Xem “sân nhà” là thị trường chính
Trong số các nhà XK lớn về thủy sản đang chinh phục “sân nhà” với thành công bước đầu phải kể đến CTCP Vĩnh Hoàn (VHC). Như hồi tháng 1/2024, vượt qua Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam lại là thị trường tiêu thụ lớn nhất của VHC với 325 tỷ đồng doanh thu, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước.
Để duy trì tăng trưởng doanh thu trên thị trường nội địa và cho cả thị trường XK, mới đây phía VHC dự kiến sẽ dành 930 tỷ đồng để đầu tư cho mở rộng nâng cấp tăng công suất, đầu tư dự án trồng trọt, đầu tư kho và đầu tư bổ sung máy móc thiết bị…
Không riêng gì các DN thủy sản, việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa đã được nhiều DN XK nông sản thực phẩm hướng đi trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc quay về chinh phục “sân nhà” của họ không hề dễ dàng, thậm chí là gian nan khi mà họ chưa chú trọng “chăm sóc kỹ càng” một cách hệ thống hơn, cũng như mối liên kết với hệ thống siêu thị và các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn vướng mắc, chưa có tiếng nói chung.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân vẫn luôn “rộng mở” cho các DN xuất khẩu nông sản thực phẩm khi quay về khi gặp khó trên thị trường XK (nhất là các nhà XK vừa và nhỏ có tiềm lực còn hạn chế). Điều quan trọng là họ cần cập nhật xu hướng kinh doanh mới, liên kết chặt chẽ với chuỗi bán lẻ hiện đại, có giải pháp mới một cách hợp lý, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước.
“Quan trọng là khi quay về “sân nhà” thì các nhà XK vừa và nhỏ cần thật sự “đam mê”, đầu tư vào chiều sâu về chất lượng sản phẩm và kênh phân phối thì chắc chắn họ sẽ có được con đường sống và thậm chí là sống tốt hơn so với các DN lớn”, ông Dũng nói.
Từ đó để thấy rằng muốn gặt “trái ngọt” trên thị trường nội địa đang cần các nhà XK nông sản thực phẩm nên nghiêm túc thay đổi tư duy, xem đây là thị trường chính thay vì chỉ là thị trường phụ. Để cho việc “chăm sóc” thị trường “sân nhà” một cách kỹ càng hơn thì họ cũng nên chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nội địa.
Song song đó, thay vì vốn dĩ quen thuộc với cách thức XK theo kiểu truyền thống, khi bán hàng trên “sân nhà” đòi hỏi các DN xuất khẩu nông sản thực phẩm thích ứng với xu thế mới của người tiêu dùng nội địa về mua sắm đa kênh. Nhất là chú tâm chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến, bán hàng qua các công nghệ mới nổi (đơn cử như livestream trên Facebook, Tiktok…). Việc này cũng giúp cho DN giảm bớt những chi phí trung gian và tăng được tính hiệu quả về đầu ra.
Thế Vinh