Thực tế, nguồn nhân lực đang là thách thức của Việt Nam trong việc đón các "đại bàng” chip bán dẫn tới đầu tư. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng mới đây cho biết, mỗi năm, ngành CNTT và công nghệ số trong nước cần 150.000 kỹ sư. Tuy nhiên, số lượng hiện mới đáp ứng khoảng 60%. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư, nhưng chỉ đáp ứng được dưới 20%.
Bắt tay ‘ông lớn’ Hoa Kỳ giải thách thức nhân lực
Để giải quyết thách thức trên, nhiều cơ quan chức năng Việt Nam đang có những thỏa thuận hợp tác về phát triển nguồn nhân lực trong ngành sản xuất chip bán dẫn với các công ty hàng đầu của Hoa Kỳ, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam trong việc đào tạo kỹ sư thiết kế chip. |
Một trong những hợp tác phải kể tới đó là Synopsys và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC – Bộ KH&ĐT) ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Cùng với sự kiện trên, Synopsys và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ TT&TT cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Đây là đơn vị chủ trì đang tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Được biết, Synopsys là công ty thuộc S&P 500 - dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn.
Cùng với đó, Cadence (công ty đi đầu trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử), Đại học Bang Arizona (ASU - trường đại học sáng tạo nhất được xếp số 1 ở Mỹ) cũng đã công bố hợp tác với NIC. Trong đó, Cadence đã công bố một chương trình mới nhằm đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, thiết kế vi mạch tại Việt Nam; Đại học Bang Arizona (ASU) hợp tác với NIC trong lĩnh vực bán dẫn, vi điện tử và các chuyên ngành liên quan khác phù hợp với chuỗi cung ứng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đây được xem là những "nước cờ" chiến lược và quan trọng đưa Việt Nam vào cuộc đua sản xuất chip bán dẫn.
Theo báo cáo của VinaCapital, nếu nhìn vào các cường quốc Đông Á trong lĩnh vực bán dẫn như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục sẽ thấy để xây dựng một nhà máy chế tạo chip cần có những yếu tố như lực lượng công nhân lành nghề đông đảo với chi phí thấp, khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, chẳng hạn như chuyên gia làm việc các công ty đầu ngành trong lĩnh vực bán dẫn, cùng với sự hỗ trợ và trợ cấp tài chính của Chính phủ. Vì vậy, VinaCapital cho rằng, để trở thành một trong những cường quốc hàng đầu về sản xuất chip, Việt Nam cần phải giải được bài toán thiếu hụt kỹ sư trong lĩnh vực này.
Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á, Synopsys quyết định mở văn phòng đầu tiên tại TP.HCM 7 năm trước với chỉ 5 nhân viên. Ông nói: “Thực ra tôi là nhân sự đầu tiên và lý do mở rộng tại Việt Nam vì Việt Nam có một số trường đại học hàng đầu về kỹ thuật có thể đào tạo sinh viên trở thành kỹ sư thiết kế vi mạch. Vì vậy, chúng tôi thấy tiềm năng và chính thức thực hiện tại Việt Nam”.
Về câu hỏi tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, ông Lâm trả lời có cả khó và dễ, khó vì trong số các trường đại học tại Việt Nam hiện nay không có nhiều trường đào tạo sinh viên về thiết kế vi mạch; còn không khó là vì việc đó dễ thôi, bởi sau một thời gian làm việc tại Việt Nam, ông nhận thấy sinh viên học hỏi công nghệ nhanh, họ có thể làm việc tại nhiều công ty tại Việt Nam, trong đó có Synopsys, nhưng một số người cũng có thể chuyển đến Singapore làm việc cho MediaTek và các công ty thiết kế vi mạch ở đó.
“Sau 7 năm, quyết định của Synopsys là sáng suốt vì hiện có rất nhiều công ty khởi nghiệp có thể bắt kịp những công nghệ mới nhất từ chúng tôi, để từ đó phát triển những con chip đầu tiên tại Việt Nam ví dụ như chip 5G DFE do Viettel sản xuất”, ông Lâm nói.
Nên chọn công đoạn nào?
Bên cạnh nhân lực, báo cáo của VinaCapital cũng chỉ ra, Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những thị trường bán dẫn hàng đầu châu Á về lắp ráp thiết bị bán dẫn trước khi chuyển sang chế tạo theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, rất nhiều việc làm trong ngành bán dẫn đã được tạo ra. Tuy nhiên, Đài Loan chỉ thu được một phần nhỏ lợi nhuận, vì phần lớn số tiền kiếm được trong ngành chip là từ các công ty thiết kế và sản xuất chip tiên tiến nhất.
Bài học đi trước của Đài Loan (Trung Quốc) cũng là kinh nghiệm để giúp Việt Nam tìm ra con đường ngách để chiến thắng và trở thành người đi “sau nhưng về trước”.
TS. Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia Viện ISEAS – Yusof Ishak của Singapore, nhìn nhận: Việt Nam vẫn chưa sản xuất bất kỳ chất bán dẫn nào trong nước, ngay cả những con chip "make in Vietnam" đầu tiên cũng được sản xuất tại nước ngoài. Do tính chất thâm dụng vốn của sản xuất chất bán dẫn có thể tiêu tốn nhiều tỷ USD cho một nhà máy. Cách tiếp cận thực tế sẽ là khuyến khích các nhà máy sản xuất chất bán dẫn quốc tế thành lập cơ sở tại Việt Nam, đồng thời tăng cường vai trò của các nhà cung cấp địa phương.
Trong khi đó, ông Lâm cho rằng, để tạo ra 1 con chip cần 3 phân đoạn gồm: thiết kế; sản xuất; lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Trong đó, Việt Nam nên tập trung vào 2 công đoạn là thiết kế và đóng gói. Đối với khâu thiết kế, Việt Nam cần kỹ sư trình độ cao. “Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một điểm đến tốt để các công ty đến và mở trung tâm thiết kế tại đây”, ông nói.
Theo ông Trịnh Thanh Lâm, hiện nay, Việt Nam đã có một số nhà chế tạo ô tô nhưng tất cả các con chip đều phải nhập khẩu từ nước khác, vì vậy sớm hay muộn thì những doanh nghiệp đó phải tìm cách tạo ra những con chip điều khiển xe hơi do người Việt Nam chế tạo và thiết kế. Khi đó, sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn so với nước khác, “tôi cũng mong được làm việc với nhiều doanh nghiệp nội với hy vọng có thể thấy nhiều chip “make in VietNam” trong tương lai gần”, ông nói.
“Còn để đầu tư xây dựng một nhà máy chế tạo linh kiện bán dẫn trình độ cao, phải tốn đến 20 hoặc 30 tỷ USD. Việc đó nói thì dễ nhưng để hiện thực hóa ở Việt Nam không hề dễ”, ông Lâm nêu khó khăn.
Về khâu thử nghiệm, lắp ráp và đóng gói, ông Trịnh Thanh Lâm nhìn nhận, Việt Nam đã có Intel, Samsung, Amkor. Việt Nam nên tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đến để xây dựng nhà máy đóng gói chip.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam; đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, các Bộ ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Ông Nguyễn Anh Thi Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM Việt Nam cần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đồng thời tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học và công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại các nước tiên tiến, đặc biệt là tại thung lũng Silicon trở về trong nước để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Đây là giải pháp giúp Việt Nam thúc đẩy hình thành các DN trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch “make in Vietnam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu. Ông Jimmy Goodrich Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) Việt Nam có lợi thế về nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, một số nước khác có lợi thế nhân lực tương tự như Thái Lan, Philippines cũng quan tâm sản xuất chất bán dẫn. Chính phủ các quốc gia này đã nỗ lực ban hành chính sách riêng thu hút chất bán dẫn. Ban đầu Việt Nam nên tập trung vào 2 trong 3 phân đoạn của làm chip là thiết kế và đóng gói, bởi đòi hỏi vốn ít hơn, tận dụng được trình độ công nhân công nghệ cao như Intel. |
Nhật Linh