Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, người sáng lập của Foodmap (một nền tảng số chuyên cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông sản Việt an toàn), cho biết câu chuyện mà 2 năm nay họ đã làm là tạo cầu nối giữa nông dân, các nhà sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ đến số đông người tiêu dùng thông qua việc cung cấp các nông sản thực phẩm cho phép truy xuất nguồn gốc.
Bám sát diễn biến thực tế thị trường
Trong mô hình hoạt động của mình, theo ông Tùng, người tiêu dùng sẽ vào ứng dụng (App) hoặc nền tảng của Foodmap để nắm rõ những thông tin chi tiết về nguồn gốc sản phẩm nông sản và cập nhật thông tin về nhà sản xuất đủ tiêu chuẩn.
Người tiêu dùng Việt dành sự quan tâm đến những DN ứng dụng công nghệ số. |
“Dịch Covid-19 diễn ra thì xu hướng tiêu dùng cũng tăng dịch chuyển từ ngoại tuyến (offline) sang trực tuyến (online), dẫn tới việc bán hàng thực phẩm online phát triển nhanh. Và chúng tôi đang tạo ra sợi dây liên kết giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất đối với nông sản an toàn”, ông Tùng nói.
Nền tảng số nội địa này (hiện cung cấp các dòng nông sản từ trái cây, rau quả đến các mặt hàng thiết yếu hàng ngày bao gồm khoản mục đi chợ) được ghi nhận đang phát triển với tốc độ 20%/tháng về số lượng người bán, chủng loại nông sản cũng như đơn đặt hàng.
Hoặc ở nền tảng công nghệ dành cho lĩnh vực môi giới bất động sản ở Việt Nam thì đang có House Map. Tuy mới ra mắt được khoảng 5 tháng nay nhưng nền tảng này đã có hơn 3.000 môi giới bất động sản sử dụng như một công cụ chuyên dụng để kết nối kinh doanh.
Ở Diễn đàn Houze Day 2020 tổ chức mới đây tại Tp.HCM để bàn về chuyển đổi số trong ngành bất động sản, ông Phạm Lâm, nhà sáng lập của hệ sinh thái Houze, cho biết điều mà doanh nghiệp (DN) của ông quan tâm là việc đầu tư nghiên cứu các giải pháp công nghệ đều phải bám sát diễn biến thực tế thị trường.
Chẳng hạn như ngoài nền tảng House Map thì hệ sinh thái của Houze còn có các công nghệ dịch vụ môi giới trên nền tảng công nghệ số, với mô hình kinh doanh ma trận điểm. Hoặc là các giải pháp kết nối hiệu quả đầu tư trên nền tảng công nghệ số sẽ giúp các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư tiềm năng.
Hay như nền tảng công nghệ quản lý và khai thác tòa nhà hiệu quả. Hiện hệ sinh thái này đã chuyển đổi số thành công cho hàng chục đơn vị quản lý tòa nhà tại các thành phố lớn như: Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,...chỉ trong vòng 3 tháng, với tỷ lệ cư dân cài ứng dụng trên 84% số lượng căn hộ của các dự án, có hơn 15.000 lượt tương tác từ phía cư dân gửi đến đơn vị quản lý.
“Nước cờ chiến lược”
Quan sát những động thái chuyển đổi số tích cực từ phía những nền tảng nội địa nêu trên, Ts. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đặc biệt nhấn mạnh về lợi ích của việc chuyển đổi số đối với DN Việt.
Bởi lẽ, theo ông Lực, điều này sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý (giảm 30-80% theo nghiên cứu của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Mckinsey & Co). Hơn nữa, nó còn giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác…và tăng cơ hội kinh doanh mới.
Ngoài ra, lợi ích của việc chuyển đổi số ở DN, như chia sẻ của ông Lực, nó còn giúp tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và trong nước. Nhất là DN có thể tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, bất động sản thương mại điện tử….
Hơn nữa, thông qua chuyển đổi số thì DN sẽ phát triển và cung cấp sản phẩm dịch vụ khác biệt với chất lượng cao hơn, cá thể hóa cao hơn, tăng trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số sẽ giúp DN cải tiến qui trình, năng suất lao động, linh hoạt, an toàn, và phù hợp bối cảnh hậu Covid-19 (làm việc từ xa), cũng như tăng năng lực cạnh tranh và có cơ hội để đổi mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng DN Việt dù muốn hay không đều sẽ chịu tác động bởi việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong vài năm tới. Cùng với đó mức độ cạnh tranh khốc liệt về sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Nhất là, những DN Việt chuyên sâu hơn về công nghệ số, đã tạo lập hệ sinh thái, được xem như là “nước cờ chiến lược” để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí trong việc nắm giữ số đông người tiêu dùng.
Thực tế này bắt buộc các DN nội địa phải tạo lập mối liên kết với những hệ sinh thái sẵn có hoặc thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại để tồn tại và phát triển.
Mặt khác, theo giới chuyên gia, nếu trước đây, chuyển đổi số là một quá trình có thể kéo dài từ 3-5 năm, tuy nhiên sau đại dịch Covid-19, quá trình này có thể sẽ được rút ngắn một cách cấp thiết nhất có thể.
Đại dịch Covid-19 xét theo một góc độ tích cực, nó đã và đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, buộc các DN Việt phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.
Như lưu ý từ một chuyên gia từ Đại học RMIT, DN Việt nào có năng lực kỹ thuật số và thực thi nhanh chóng sẽ có thể vươn lên trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.
Thế Vinh