Một chương trình có tên là Surge (do Quỹ đầu tư Sequoia Capital Ấn Độ vận hành), chuyên lựa chọn các công ty khởi nghiệp có tiềm năng lớn mạnh trong thời kỳ hậu Covid ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, mới đây đã công bố danh sách 17 công ty giai đoạn đầu được lựa chọn.
Vươn ra thế giới bằng số hóa
Điểm đáng chú ý là trong danh sách này có một công ty do người Việt Nam thành lập: Epsilo. Đây là công ty chuyên cung cấp Phần mềm dạng dịch vụ (SaaS), giúp các nhà tiếp thị thương mại điện tử và quản lý danh mục triển khai các hoạt động quảng cáo hiệu quả trên các nền tảng bán lẻ trực tuyến hàng đầu ở Đông Nam Á.
Nếu DN Việt có năng lực chuyển đổi số tốt sẽ có thể vươn lên trong giai đoạn kinh tế khó khăn. |
Theo đánh giá, công ty Epsilo đã tích hợp dịch vụ của mình với các nền tảng này để cho phép các doanh nghiệp (DN) theo dõi và tối ưu hóa liên tục các nỗ lực tiếp thị trong nền tảng, kiểm soát hoạt động cho nhiều thương hiệu, SKU (một dạng quy ước nhằm phân loại mặt hàng để bán), trang web và các quốc gia từ trong hệ sinh thái Epsilo.
Có thể thấy, đây là tín hiệu đáng khích lệ cho các DN mới gia nhập thị trường ở Việt Nam đang xem trọng việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo nhận định đầy triển vọng của ông Rajan Anandan, Tổng giám đốc Sequoia Capital India LLP, những công ty như vậy sẽ vươn ra ngoài thị trường nội địa, ưu tiên số hoá, và tận dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của mọi lĩnh vực trên toàn cầu.
Còn theo đánh giá từ Đại học RMIT, các DN Việt nếu có năng lực kỹ thuật số, kỹ năng lãnh đạo kỷ luật và thực thi nhanh chóng sẽ có thể vươn lên trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Ts. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm Bộ môn quản trị kinh doanh của RMIT, có lời khuyên là các chủ DN Việt nên kiến tạo tầm nhìn về thế giới sau đại dịch và thực hiện các chiến lược để đạt được tầm nhìn này, bằng việc sử dụng những kỹ năng mới nhất và năng lực kỹ thuật số để đưa công ty đến giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Tuy nhiên, kiểu lãnh đạo DN này ở Việt Nam hiện vẫn đang thiếu hụt. Điều đáng lưu tâm là nghiên cứu mới đây về DN đặt tại Việt Nam, do các nghiên cứu viên đến từ RMIT cùng KPMG Việt Nam thực hiện, cho thấy nhiều DN ở Việt Nam thiếu lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo - một trong những lý do khiến nhiều dự án chuyển đổi số thất bại.
Điều đó đòi hỏi các chủ DN Việt cần có thêm tư duy về đổi mới kỹ thuật số, nắm vững những vấn đề rủi ro kỹ thuật số, hiểu rõ về tương lai công nghệ, bảo mật thông tin…
Bứt tốc ứng dụng số ở các định chế tài chính
Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2020 tổ chức ở Tp.HCM ngày 26/11, vấn đề chuyển đổi số trong các DN Việt và những định chế tài chính cũng được đặt ra. Nhất là từ tác động của dịch Covid-19, các định chế tài chính sẽ đẩy nhanh tiến trình số hoá, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cũng phát triển mạnh mẽ.
Với việc chuyển đổi số trong các định chế tài chính, ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cho biết dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 - 5 năm, đặt các hệ thống ngân hàng trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.
Điều này phù hợp với xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới, và đây chính là cơ hội tạo bước nhảy vọt cho ngành ngân hàng Việt Nam.
Song song với xu hướng số hóa mạnh mẽ đó, bà Nguyễn Tú Anh, nguyên Chủ tịch CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Các con số thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ ra điều này. Theo đó, chỉ tính riêng nửa đầu năm nay đã có 200 triệu giao dịch thanh toán qua Internet với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch (bằng 178% so với năm 2019) với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (bằng 177%).
Ngoài ra, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong nửa đầu năm nay đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng (tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019).
Nhiều chuyên gia dự báo năm 2021, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế và ổn định phần nào, ngành ngân hàng sẽ có sự bứt tốc đáng kể dựa trên nền tảng số, từ đó góp phần quan trọng trong việc số hóa nền kinh tế quốc gia.
Mặt khác, kênh vay vốn của ngân hàng dành cho hoạt động số hoá, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của năm 2020 cũng là điều đáng ghi nhận.
Đơn cử như ở Agribank, tính đến tháng 6/2020, số lượng dự án nông nghiệp công nghệ cao được ngân hàng này hỗ trợ đầu tư là 1.337 dự án, tăng 4,8% so với năm 2018.
Trong đó, số dự án của khách hàng cá nhân chiếm 98%. Các dự án được vay đang hoạt động có hiệu quả, khả năng thu hồi vốn đảm bảo, nợ xấu ở mức thấp (0,5%). Điều này được ví như có “thực” thì sẽ vực được… chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp trong tương lai.
Thế Vinh