Theo thống kê nhanh của Bộ Công Thương, tính tới ngày 11/2, có khoảng gần 600 xe nông sản (trái cây như thanh long, mít, nhãn, dưa hấu...) đang nằm chờ tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, việc đẩy mạnh thông quan cho các lô hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là rất khó khăn.
Trái cây xếp hàng dài chờ ngày thông quan
Chưa kể, để hạn chế lây lan của dịch nCoV, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan. Vì vậy, nếu không nhanh chóng tìm phương án tiêu thụ, chắc chắn ngành nông nghiệp nói chung, các mặt hàng trái cây của Việt Nam nói riêng sẽ rơi vào tình cảnh "trắng tay", đổ bỏ vì hư hỏng.
Người dân Hà Nội mua dưa hấu giải cứu (Ảnh: Internet) |
Tại cuộc họp tìm giải pháp tiêu thụ nông sản diễn ra chiều ngày 11/2, ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, sản lượng thanh long đang tồn ở tỉnh này còn rất lớn. Cụ thể, hiện 7.685 tấn thanh long đang lưu trữ tại các kho lạnh. Dự kiến, tổng sản lượng thu hoạch trong tháng 2/2020 là 44.586 tấn, trong tháng 3/2020 là 43.840 tấn. Như vậy, tổng sản lượng cả lưu kho lạnh, dự kiến thu hoạch trong tháng 2 và 3 là 96.111 tấn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, lâu nay phần lớn nông sản của tỉnh đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc, với tình hình bất lợi trên, đầu ra cho các sản phẩm này là cực kỳ khó khăn, sản lượng mặt hàng khoai lang khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn 1.200 tấn. "Nỗi lo càng lớn hơn khi 30 ngày tới, mặt hàng xoài Cát Chu (11.000 ha) và cát Hòa Lộc (90.000 ha) đến kỳ thu hoạch", ông Dũng nói.
Nhiều tỉnh tình khác cũng đang lầm tình cảnh trên. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải có kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ hết số nông sản ứ đọng này. Trong khi việc phát triển thị trường mới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể hiện thực hóa trong chốc lát, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước được xem là giải pháp hữu hiệu nhất.
Phát triển thị trường nội địa là nâng cao thu nhập cho nông dân
Trong cuộc họp trên, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương và các doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để qua đó phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
"Trong điều kiện lo ngại về dịch bệnh, hệ thống phân phối hiện đại đang ngày càng phát triển và mở rộng của các doanh nghiệp phân phối đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nên việc đưa các sản phẩm nông sản tiêu thụ qua kênh phân phối này sẽ có ưu thế lớn trong giai đoạn hiện nay", Bộ Công Thương nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thanh long mùa vụ ngắn nên trước hết phải tập trung tiêu thụ vào thị trường nội địa, bên cạnh việc tính tới giải pháp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Cũng tại cuộc họp trên, các doanh nghiệp đã công bố năng lực tiêu thụ trong hệ thống như: BigC tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu và 70 tấn thanh long/ngày; hệ thống siêu thị VinMart tiêu thụ được khoảng 2.000-3.000 tấn thanh long và dưa hấu/tuần; Saigon Co.op có thể tiêu thụ 1.600 tấn/ngày... Điều này cho thấy sức lớn của thị trường nội địa, với hơn 96 triệu dân.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nói: "Phát triển thị trường nội địa chính là nâng cao thu nhập của nông dân. Việc phát triển thị trường trong nước không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mà cả hàng công nghiệp. Nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... đã làm rất tốt điều này".
Tuy vậy, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề lâu dài để ngành nông nghiệp chinh phục tốt người Việt, cũng như không lâm vào tình cảnh phụ thuộc vào một thị trường là cần phải tái cơ cấu sản xuất. Sản xuất với số lượng lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, kết nối chặt chẽ với các nhà phân phối.
Chia sẻ về định hướng phát triển của ngành trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: Ba trục sản phẩm: nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" đều phải coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt, có như vậy sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới có giá thành phù hợp, chất lượng tốt nhất, nền quản trị tốt để đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hợp lý nhất.
Đồng thời, ngành nông nghiệp phải tổ chức sản xuất chuỗi, khép kín từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến tới thị trường. "Các sản phẩm không thể thoát khỏi chu trình này, mà trong chuỗi này DN, HTX là hạt nhân trong sự liên kết để "các nhà cùng xúm vào". Như vậy, chúng ta mới có được nhóm sản phẩm phù hợp đặc thù vùng miền, nhóm sản phẩm thị trường đang cần và nhóm sản phẩm áp dụng khoa học công nghệ, cụ thể là công nghệ 4.0 để cho ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới", ông Cường nhấn mạnh.
Lê Thúy