Doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn hơn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc. |
Theo bà Thực, một trong những vấn đề của xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Trung Quốc là quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc. "Nếu như đợt này không xảy ra dịch bệnh thì chúng ta vẫn vướng khi thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, vì đến nay, chúng ta vẫn dẫm chân tại chỗ trong việc thực hiện các quy định này", bà cho hay.
Về chính sách này, Việt Nam đã được Trung Quốc thông báo từ 2 năm trước. Trong suốt năm 2019 đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo tổ chức để bàn giải pháp, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về mã vùng trồng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc.
Luật Trồng trọt sửa đổi chính thức có hiệu lực từ năm 2020, trong đó Điều 64 về quản lý vấn đề truy xuất nguồn gốc, nhưng đến nay, các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cũng như UBND các cấp chưa có.
Bà Thực cho biết thêm, thế giới mong muốn được bán hàng cho Trung Quốc, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ thị, bài xích Trung Quốc. Thay vào đó, phải làm sao có thể chiếm được thị trường lớn này và có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.
Hiện nay, thương mại điện tử Trung Quốc rất phát triển, nhưng các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vẫn còn kém về chất lượng, mẫu mã. Điều đó dẫn đến khó khăn hơn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường này.
Nếu đáp ứng được các quy định của nước nhập khẩu sẽ không còn tình trạng giải cứu ở biên giới nữa. "Chúng ta càng hỗ trợ, càng làm ngơ quản lý thì hệ lụy sẽ lớn. Sang Trung Quốc thì hàng Việt Nam quá ít, chúng ta không có chỗ đứng trên thị trường thì hoàn toàn phụ thuộc vào người “đến nhà chúng ta mua mang đi”", bà Thực nói.
Bên cạnh đó, đối với mã xưởng, Việt Nam chưa có quy định và tiêu chuẩn công nhận. Ví dụ như đối với vải thiều Lục Ngạn, kim ngạch xuất khẩu một năm rất cao, nhưng không có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng xưởng để sơ chế chế biến. Nguyên nhân vì đầu tư xây dựng nhà xưởng mà một năm chỉ làm 1 - 2 tháng mùa vụ sẽ không hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, khi có những tiêu chuẩn cấp an toàn vệ sinh thực phẩm cho các xưởng lưu động như vậy sẽ có thể tháo rời lưu động. Ví dụ như bây giờ làm 2 tháng ở Lục Ngạn, hết mùa vải, doanh nghiệp lại di dời sang các vùng có nhãn để làm tiếp hoặc các vùng khác nữa.
"Quan trọng là các địa phương cần hỗ trợ về mặt bằng, vì chúng tôi không thể đầu tư tiền mua đất chỉ để xây xưởng sử dụng 1 - 2 tháng/năm. Đặc biệt như đối với thanh long hiện tại, công tác chế biến rất thuận lợi. Như bình thường có thể phải đợi hàng không bán được hoặc loại 2, 3, còn hiện tại hoàn toàn có thể mua được thanh long loại 1 với giá rất rẻ", bà Thực cho hay.
Thanh Hoa