Để giải quyết những tình trạng trên, ngày 13/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.
80-90% HTX nông nghiệp bị giảm doanh thu
Trước đó, chia sẻ với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Evergrowth (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, HTX liên kết với hơn 10 nghìn hộ nông dân là người dân tộc dân tộc Khmer chăn nuôi bò sữa, khi dịch COVID-19 xảy ra việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn, bà con đã phải đổ sữa đi. Tuy nhiên, HTX đã rất cố gắng, quyết tâm không để bà con đổ bỏ sữa bằng cách vẫn tiếp tục thu mua và sản xuất để lưu trữ tại nhà máy, đồng thời tìm phương án tiêu thụ.
Giá gà lông trắng giảm xuống chỉ vài nghìn đồng/kg vẫn không có ai mua. |
"Thời gian vừa rồi, thông qua Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sữa trong 100.000 gói combo nông sản, qua đó đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng cho người dân, cũng như phần nào giải được bài toán thị trường cho HTX", ông Tuấn cho biết.
Đại diện HTX Evergrowth khẳng định, sản phẩm sữa của HTX đạt chất lượng cao, sản xuất theo dây chuyền hiện đại. Theo đó rất mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa về kết nối thị trường.
Báo cáo trước lãnh đạo Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho biết, khó khăn của đại dịch COVID-19 gây ra đang khiến người nông dân, HTX, doanh nghiệp (DN) chịu rất nhiều khó khăn. Mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn.
Đáng lo ngại, khu vực HTX nông nghiệp bị tác động nặng nề. Đến nay, có 80-90% số HTX nông nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách đã bị giảm doanh thu, trong đó khoảng 30% số HTX giảm từ 50-70% doanh thu; 40% số HTX giảm từ 30-50% và 20% còn lại ít bị ảnh hưởng hơn. Khoảng 1/2 lao động thường xuyên của HTX bị giảm hoặc cắt lương.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, phần lớn người sản xuất, DN chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng. Chi phí sản xuất phát sinh quá lớn (các DN gỗ tăng khoảng 20-30%), nhiều DN khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, DN phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái đầu tư; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Về lưu thông, theo báo cáo của Bộ GTVT và phản ánh của các DN sản xuất nông sản, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế.
Việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các DN, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh chi phí lớn; nhiều DN không thể bố trí đủ cơ sở vật chất để thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức này. Việc triển khai “3 tại chỗ” còn chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, khu vực, các đối tượng và lĩnh vực sản xuất.
Cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn
Những khó khăn trên đã dẫn đến việc ùn ứ nhiều mặt hàng nông sản. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho hay nông sản của tỉnh này gồm 3 nhóm có nguy cơ khó tiêu thụ. Cụ thể cây ăn trái dư khoảng 1.000 tấn gồm: 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt; củ đậu 800 tấn. Sản phẩm chăn nuôi có khả năng dư thừa gần 200.000 con gà lông trắng, vịt 80.000 con, dê 6.000 con.
Với tổng đàn chim cút 7 triệu con, mỗi ngày dư thừa trên 300.000 trứng cút. Thủy sản gồm 1.000 tấn có nguy cơ dư thừa, gồm 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm thẻ. "Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ để kết nối tiêu thụ các loại nông sản trên", ông Sinh cho biết.
Tương tự, ông Phạm Văn Bông, Giám Đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, cho hay sản lượng trái dưa của địa phương đạt 80 tấn, chuối 70 tấn, chanh không hạt 30 tấn, rau ăn lá tiêu thụ chậm hơn trước. Trứng gia cầm tiêu thụ chậm, hàng tồn mỗi ngày 2 triệu quả; trứng cút hơn 200 nghìn trứng. Đặc biệt là đàn gà lông trắng còn 1,2 triệu con rất khó bán. Một số trang trại hiện nay có xu hướng không tái đàn trong thời gian tới.
"Chúng tôi đã vận động các đơn vị đoàn thể, DN hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn nhưng không giải quyết được nhiều, bà con rất khó khăn", ông Bông nói.
Trước khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập cho DN, HTX phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đề xuất Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vắc xin ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Các lái xe và người trên xe sau khi đã được tiêm phòng 2 mũi vắc xin thì có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông. Chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện “3 tại chỗ” để phù hợp với thực tiễn từng loại hình DN.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT khuyến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản; DN liên kết với các HTX tập trung, các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu. Xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Có chỉ thị các bộ ngành, địa phương tăng cường sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất khẩu nông sản.
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do những yếu tố cả chủ quan và khách quan.
Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Trung ương, không phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ, tuyệt đối phải đảm bảo không để lây lan dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa. Ông cũng yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức cuộc họp với DN, HTX để xây dựng phương án phục hồi sản xuất; rà soát tổng thể công tác tái đàn, tái sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
"Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động có các văn bản hướng dẫn, phối hợp với các địa phương hỗ trợ người nông dân; tạo điều kiện, đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa...", Phó Thủ tướng nói.
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |