Ngày 11/9, chuyến xe của HTX đặc sản Đồng Tháp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) lên đường từ sáng sớm để mang hơn 40 loại nông thủy sản của Đồng Tháp đến với khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh.
Bán hàng theo gói
Để thuận tiện cho quá trình làm việc, HTX liên kết với các cấp ngành, trong đó có Liên minh HTX tỉnh nhận tiêu thụ nông sản theo hình thức combo (bán hàng theo gói). Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên cứ đủ 300 combo là xe của HTX lăn bánh. Trong các combo này, người mua, đơn vị mua có thể tự chọn các loại nông sản, HTX sẽ kết nối với các HTX có nông sản tương ứng trên địa bàn để thu mua, đóng gói, vận chuyển.
HTX đặc sản Đồng Tháp đang tập trung vào 2 loại combo để khách hàng lựa chọn là combo có khối lượng 9kg/túi, 10kg/túi. Nông sản đa dạng từ rau củ, trái cây, thủy sản đến các đặc sản đã qua sơ chế chế biến như bún sấy, cua xay, khô cá lóc, ếch làm sạch…
Hay HTX thát lát Như Kỳ (Hậu Giang), chuyên chế biến các mặt hàng thủy sản nhưng nay lại chuyển sang thu mua, phân loại cũng như cân đối để ra những combo nông sản có giá cả hợp lý từ rau củ quả, trái cây. Một tuần, HTX nhận giao hàng hai lần. Có đợt, HTX đã giao 1.000 combo mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương đặt.
Thực tế đang xảy ra tình trạng nông sản của các HTX tại các tỉnh, thành phía Nam rất dồi dào vì vào vụ thu hoạch nhưng lại khó tiêu thụ vì nhiều tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội. Cùng lúc này, một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh lại đang rất cần một lượng lớn hàng hóa, lương thực thực phẩm vì người dân thực hiện giãn cách xã hội.
HTX Như Kỳ chuẩn bị phân loại nông sản theo combo. |
Những ngày vừa qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhiều loại nông sản của các HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam liên kết, kết nối đưa đến tay khách hàng ở nhiều tỉnh, thành.
Thông qua Chương trình kết nối cung cầu 503, các HTX đã đưa nông sản lên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm của các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay, một số Liên minh HTX tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Hồng đã hỗ trợ HTX đưa nông sản lên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu như: Ninh Bình có 27 HTX với 56 sản phẩm, Nam Định có 8 HTX với 40 sản phẩm, Hải Phòng có 4 HTX với 6 sản phẩm, Thái Bình có 8 HTX với 21 sản phẩm…
Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, đến ngày 8/9, có 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc đã đưa tổng số 143 sản phẩm của 53 HTX lên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm. Trong đó, Hòa Bình có 11 HTX với 11 sản phẩm, Phú Thọ có 9 HTX với 5 sản phẩm, Lai Châu có 8 HTX với 14 sản phẩm, Lào Cai có 88 sản phẩm của 20 HTX, Yên Bái có 21 sản phẩm của 10 HTX.
Tuy nhiên, trước tình thế cấp bách và thời gian giãn cách xã hội kéo dài, ngoài hỗ trợ kết nối cung - cầu với các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến, các siêu thị, chợ đầu mối, bán hàng online, hiện Liên minh HTX Việt Nam tích cực hỗ trợ các HTX bán hàng theo hình thức combo nông sản. Bởi hiện nay, nông sản của các HTX chủ yếu là rau màu, trái cây, thủy sản ở dạng tươi, thô lại sản xuất theo mùa vụ nên nếu không tiêu thụ kịp thời thì sẽ rơi vào cảnh dồn ứ, thậm chí là phải đổ bỏ.
Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho biết, loại hình combo đã được một số HTX ở Lâm Đồng thực hiện tương đối hiệu quả trong mùa dịch và giúp các HTX mang về doanh thu cao gấp 3 lần so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Thậm chí, ngay khi dịch chưa xảy ra thì hình thức bán hàng này đã được không ít HTX ở Lâm Đồng áp dụng thành công.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Sunfood Đà Lạt thực hiện đóng nông sản được trồng theo mô hình công nghệ cao theo các combo có giá từ 300-500 nghìn đồng. HTX sẽ thông báo các combo để khách hàng lựa chọn và thực hiện giao hàng tận nơi ở cả trong và ngoài tỉnh, nên đầu ra rất thuận lợi.
Còn ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai cho biết, các HTX ở Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh tham gia tiêu thụ nông sản thông qua chương trình “túi an sinh”. Tức là nông sản được đóng túi theo các combo khác nhau theo nhu cầu khách hàng hoặc dựa trên gợi ý của HTX.
“Mỗi ngày, các HTX của tỉnh có thể cung cấp hàng nghìn combo nông sản, nên việc đẩy mạnh thực hiện hình thức tiêu thụ này giúp giải quyết khó khăn trong tiêu thụ cho HTX nhưng vẫn bảo đảm giãn cách xã hội vì người mua hạn chế phải ra ngoài”, ông Dũng chia sẻ.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến thời điểm này, hàng loạt combo nông sản đã được các HTX ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long giới thiệu và cung cấp đến tay khách hàng, trong đó chủ yếu là cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh để bảo đảm vấn đề an sinh trong mùa dịch.
Giảm áp lực cho HTX
Ngoài kết nối trực tiếp, các tổ công tác của Liên minh HTX Việt Nam cũng đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các HTX xây dựng và đưa các combo lên Cổng thông tin kết nối cung - cầu tại địa chỉ: lmhtxvnmart.com.vn. Cùng với đó, các HTX còn xây dựng các combo, sử dụng mạng xã hội, trang web… để giới thiệu và kết nối với khách hàng.
Một "thực đơn" nông sản được HTX nông nghiệp Sunfood Đà Lạt chuẩn bị sẵn để khách hàng có thể lựa chọn. |
Tuy nhiên, để cung cấp được combo nông sản đến khách hàng còn những vấn đề cần giải quyết ngay. Một trong những khó khăn đó chính là khâu vận chuyển và phân phối. Nguyên nhân là do mỗi tỉnh quy định phòng chống dịch một cách khác nhau nên có tỉnh không thể cho người, xe ở nơi khác vào vận chuyển. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của các HTX cũng bị giảm ít nhất 50% để đảm bảo giãn cách xã hội.
Ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai cho biết, do lượng nông sản lớn lại khó khăn trong khâu vận chuyển, thiếu điểm tập kết nên việc đưa các combo nông sản ra các tỉnh miền Trung hoặc miền Bắc gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, ông Dũng đề nghị Liên minh HTX tạo điều kiện để hình thành một điểm trung chuyển, tập kết nông sản ở miền Trung để có thể mở rộng đầu ra cho nông sản.
Mong muốn tháo gỡ khó khăn cho HTX, ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho rằng, từ Cổng thông tin kết nối cung - cầu, nên tạo các sàn nhánh ở Liên minh các tỉnh, thành phố. Mỗi tỉnh sẽ chọn 5-20 HTX chuyên đứng ra thu mua, cung cấp nông sản. Như vậy, tính trên cả nước sẽ xây dựng được mạng lưới HTX chuyên cung cấp combo nông sản và cũng là đầu mối kết nối với khách hàng và doanh nghiệp.
“Điều này vừa giải quyết được đầu ra cho nông sản trên quy mô và số lượng lớn, vừa giải quyết được khó khăn về nhân lực, nhất là đối với các HTX chưa sẵn sàng về công nghệ thông tin”, ông Cứng nhận định.
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh dịch vụ, tình hình việc làm và thu nhập của các HTX trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Đặc biệt do giá vật tư nông nghiệp trên cả nước đang tăng từ 10-15% hoặc có loại phân bón tăng từ 40-50% khiến HTX càng gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa sẽ giúp giảm áp lực cũng như khó khăn cho các HTX. Đây cũng là chủ trương lớn của Liên minh HTX Việt Nam nhằm cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Sự vào cuộc của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, sự chủ động của các HTX chính là nền tảng giúp đầu ra nông sản trong mùa dịch từng bước được mở rộng.
Huyền Trang