Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 7/2018, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng; mức tăng so với tháng trước 3.000- 5.000 đồng/kg.
Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng chạm mốc 56.000 đồng/ kg. Mức giá này đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017 và được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Thận trọng tăng đàn
Giá lợn hơi trong tháng 7 tăng được nhận định chủ yếu vẫn do nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một số nguyên nhân như khủng hoảng thừa, cung vượt cầu trong những tháng đầu năm 2017 khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, thời gian kéo dài dẫn đến người nuôi bỏ chuồng không tiếp tục chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (số lượng lợn dưới 20- 30 con) bỏ hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác, tỷ lệ này chiếm tỷ trọng khá cao trong toàn ngành chăn nuôi.
Cùng với đó, giá thịt lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước, người chăn nuôi chi phối nên càng làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao, gây lan tỏa tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá thịt lợn cả nước lên cao.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT vừa ra công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước thống kê và có biện pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn. Trong đó nêu rõ, từ tháng 4 năm nay, thị trường có dấu hiệu khả quan nên người chăn nuôi tăng năng suất, nuôi vỗ béo, nuôi sinh sản làm tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường các tháng cuối năm.
Hơn nữa, giá lợn giống rất cao từ 1,2 –1,5 triệu đồng/con loại 6-7kg tùy theo chất lượng lợn (thời điểm ổn định từ 0,5-0,7 triệu đồng/con loại 6-7kg). Với mức giá này, rủi ro cho người nuôi là rất cao nếu đến thời điểm xuất chuồng không đạt mức giá cao như hiện nay.
Đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể trở thành "bãi đáp" để thịt lợn Trung Quốc và Mỹ tràn sang Việt Nam. Bộ KH&ĐT đánh giá, nhìn chung giá thịt lợn cả nước đang cao hơn nhiều nước khác (Trung Quốc, Mỹ), đây là điều kiện để lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam sẽ dễ tăng đột biến. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp để kiểm soát tình hình kịp thời.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng thịt lợn nhập khẩu trong tháng 5/2018 tăng 50% về lượng và 30% về giá trị so với tháng 4.
"Giá lợn hơi thế giới dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn có xu hướng tăng. Mặt khác, xu hướng bảo hộ thương mại trên thị trường quốc tế đang là một rào cản lớn cho xuất khẩu (XK) thịt lợn, người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tăng đàn. Các cơ quan chức năng cần có những phương hướng cụ thể để phát triển đàn lợn phù hợp với bối cảnh trong và ngoài nước", Bộ KH&ĐT đánh giá.
Trên thực tế hiện nay, các sản phẩm thịt lợn vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Về thị trường XK, tháng 5/2018, lô hàng thịt lợn tươi đầu tiên mới được XK sang thị trường Myanmar qua đường chính ngạch. Không XK được vì còn tồn tại các bất cập như chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, giá thành cao, chất lượng kém và thiếu liên kết theo mô hình chuỗi sản xuất đến phân phối…
Giá lợn hơi tăng nhưng chưa phải là cơ hội tốt để người dân tái đàn |
Chất lượng và liên kết
Vì vậy, nỗi lo đầu ra không chỉ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn cả các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, đặc sản… Ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty CP Trang trại Bảo Châu, chia sẻ đã mất nhiều công tìm hiểu, tham quan, học hỏi nước ngoài để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn kết hợp trồng trọt ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
"Tuy nhiên, tự làm thị trường cho sản phẩm của mình nên gặp vô vàn khó khăn, trở ngại, nhiều lúc còn bị nguy cơ thua lỗ trầm trọng kéo dài. Vì vậy, bài học về tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm thịt lợn hữu cơ là điều sống còn", ông Thắng chia sẻ.
Để đảm bảo đầu ra, bên cạnh việc các chủ trang trại chăn nuôi tự nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phương pháp mới để không ngừng nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để ngày càng có nhiều đối tượng khách hàng, ngành chăn nuôi phải tạo ra chuỗi từ sản xuất đến phân phối tận tay người tiêu dùng, có sự ràng buộc trong mối liên kết hữu cơ với nhau.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ và Chế biến Đồng Hiệp, cho biết thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước là đối tượng hộ gia đình, đối tượng bếp ăn tập thể còn hạn chế. Thị trường XK chiếm thị phần nhỏ, chủ yếu là XK sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên không ổn định, chưa XK chính ngạch do giá thành cao hơn thịt đông lạnh nhập khẩu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu XK.
Tỉnh Đồng Nai hiện có 12 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, tuy nhiên, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi còn yếu, phụ thuộc nhiều khâu trung gian và khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc.
Trong khi đó, chưa có sự phối hợp tốt giữa ngành nông nghiệp với các địa phương trong việc hướng dẫn, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện quản lý chăn nuôi.
Nhìn chung các hộ chăn nuôi chưa thật sự quan tâm triển khai thực hiện việc ghi chép sổ sách theo dõi chăn nuôi, chưa kiểm tra, cập nhật đầy đủ thông tin về số lượng vật nuôi.
"Các biện pháp, chế tài không nghiêm là một trong những nguyên nhân chính làm cho người chăn nuôi không chấp hành các nội dung triển khai liên quan đến quản lý chăn nuôi, dẫn tới cơ quan chức năng không dự báo được chính xác cung – cầu thị trường", ông Công chỉ rõ.
Cùng với đó, ông Công cho rằng cần tổ chức liên kết trong sản xuất theo tổ hợp tác, HTX để mua trực tiếp nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở sản xuất, giảm các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất. Đây là cách để giảm giá thành, đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu và nâng cao chất lượng để hướng đến XK.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), những người chăn nuôi theo phong trào luôn chịu thiệt thòi nhiều nhất và sức ép lớn nhất.
Ngành nông nghiệp cần đặc biệt chú ý tới chính sách dành cho nhóm chăn nuôi tự phát, hướng dẫn giúp họ tham gia vào các hiệp hội, chuỗi sản xuất, gắn nông dân với doanh nghiệp, với thị trường.
Đồng thời, chỉ có phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm tin tưởng.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Trí Công - Giám đốc HTX Dịch vụ và Chế biến Đồng Hiệp (Đồng Nai) Cần xây dựng các kênh thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về giá cả thị trường, tình hình lưu thông sản phẩm trong và ngoài nước để người dân điều chỉnh việc tái đàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết cả chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ, thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi để liên kết chuỗi sản xuất. Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương thống kê nhanh quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, gửi báo cáo gấp về Cục Chăn nuôi để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Ngoài ra, cần thông tin thường xuyên và đầy đủ giá cả thị trường cũng như nguồn cung thịt lợn. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Giá lợn hơi tăng không phải là cơ hội tốt để người dân tái đàn. Trong tương lai, mô hình chăn nuôi lợn nhỏ lẻ cũng suy yếu dần. Việc nuôi lợn theo quy mô lớn và theo chuỗi sẽ giúp đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng đủ điều kiện XK sang các nước hơn. |