Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng chi phí logistics tại Việt Nam hiện nay rất cao, đặc biệt là với ngành nông lâm thuỷ sản, có thể chiếm đến 12% giá thành sản phẩm thủy sản, 33% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả và 33% giá thành gạo.
So sánh với một số quốc gia trong khu vực, chi phí logistics phục vụ cho phát triển nông nghiệp tại Việt Nam hiện cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Malaysia 12% và hơn Singapore 3%.
Nút thắt khó gỡ
Ông Tuấn chia sẻ với một doanh nghiệp (DN) lớn đang đầu tư vào chuỗi giá trị rau quả xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long là nên chịu khó đầu tư logistics, làm sao gỡ được nút thắt chi phí này – vốn chiếm đến 29% giá thành rau quả, thì sẽ đảm bảo mang lại lợi nhuận tốt cho DN.
Vấn đề giảm chi phí logistics cũng được nhấn mạnh trong Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam được Bộ Công Thương ban hành mới đây nhằm nâng thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 – 10 bậc.
Trong vấn đề rút ngắn thời gian và giảm chi phí logistics, Kế hoạch xác định sẽ hạn chế ban hành, cũng như rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí về sử dụng hạ tầng làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hoá trong nước, xuất nhập khẩu của đa số DN. Đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi ngành những công chức đòi hỏi DN phải chi các khoản tiền ngoài quy định.
Bên cạnh đó, "cần làm việc với các hãng tàu nước ngoài để đảm bảo mức phí dịch vụ tại cảng ở mức hợp lý. Rà soát, kiểm tra các dự án BOT, đảm bảo mức thu phí không quá cao, không tạo gánh nặng chi phí cho DN khi sử dụng hạ tầng BOT. Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trong dịch vụ công trực tuyến", Kế hoạch nêu rõ.
Có thể khẳng định, giảm chi phí logistics là mối quan tâm lớn của các DN hiện nay trong hoạt động xuất nhập khẩu, khi đây vẫn là "nút thắt" mà DN mong mỏi sớm được tháo gỡ.
Phân tích chi tiết từ giới chuyên gia WB về chi phí bằng tiền khi nhập khẩu (NK) hàng hoá hồi năm ngoái cho thấy chi phí logistics bao gồm chi phí vận chuyển nội địa và chi phí xếp dỡ và lưu kho tại cảng chiếm đến 64% tổng chi phí – cao hơn so với chi phí tuân thủ quy định bao gồm chi phí tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành ngoài cửa khẩu, và chi phí tuân thủ hải quan và các cơ quan khác tại cửa khẩu (chiếm 36% tổng chi phí).
Chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh của DN |
Doanh nghiệp ngóng chờ
Trong đó, chi phí xếp dỡ và lưu kho tại cảng là nội dung chi lớn nhất (39,5%). Nếu bóc tách chi tiết hơn, tổng chi phí NK bao gồm chi phí tuân thủ về chứng từ kiểm tra chuyên ngành (chiếm 25%), chi phí thủ tục hải quan tại cửa khẩu (11%), chi phí thủ tục các cơ quan khác ngoài hải quan tại cửa khẩu (0% – chỉ đối với hàng hóa khảo sát). Trong khi đó, chi phí vận chuyển nội địa lại chiếm 24,5% và chi phí xếp dỡ và lưu kho tại cảng chiếm đến 39,5%.
Cũng theo WB, cơ cấu thời gian xuất khẩu (XK) cho thấy thời gian tuân thủ quy định bao gồm thời gian tuân thủ kiểm tra chuyên ngành ngoài cửa khẩu, thời gian tuân thủ hải quan và các cơ quan khác tại cửa khẩu tương đương với chi phí logistics (tính theo thời gian) bao gồm thời gian vận chuyển nội địa và thời gian xếp dỡ và lưu kho tại cảng, cả hai đều chiếm 50% tổng thời gian XK.
Quy trình xếp dỡ và thời gian lưu kho tại cảng được cho là khâu tốn thời gian nhất (chiếm 44%). Nếu bóc tách chi tiết hơn, tổng thời gian XK bao gồm thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành (40%), thời gian tuân thủ thủ tục hải quan (4%), thời gian tuân thủ thủ tục với các cơ quan khác ngoài hải quan (6%), thời gian vận chuyển nội địa (6%), thời gian xếp dỡ và lưu kho tại cảng (44%).
Về chi phí XK ở Việt Nam, phân tích chi tiết cho thấy chi phí logistics cao hơn so với chi phí tuân thủ quy định. Trong khi chi phí logistics, bao gồm vận chuyển nội địa và chi phí xếp dỡ lưu kho tại cảng chiếm 63% tổng chi phí bằng tiền, thì chi phí tuân thủ quy định, bao gồm tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành, tuân thủ thủ tục hải quan và các cơ quan khác ngoài hải quan tại cửa khẩu chỉ chiếm 37% tổng chi phí. Xếp dỡ và lưu kho tại cảng là công đoạn tốn tiền nhất khi tính chi phí XK (33%).
Nếu làm rõ hơn nữa thì tổng chi phí XK bao gồm chi phí tuân thủ kiểm tra chuyên ngành (23%), chi phí thủ tục hải quan (10%), chi phí thủ tục với các cơ quan khác ngoài hải quan (4%), chi phí vận chuyển nội địa (30%) và chi phí xếp dỡ và lưu kho tại cảng (33%).
Theo tính toán, các DN XK nếu có chi phí vận tải thấp hơn 1% so với đối thủ cạnh tranh thì có thể nâng thị phần thêm 5 – 8%, trong khi đó, chậm trễ thêm một ngày sẽ làm chi phí sản xuất tăng thêm 1%.
Với những con số phần trăm "biết nói" từ chi phí logistics như trên, có thể thấy kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics mà Bộ Công Thương vừa ban hành sẽ có nhiều việc phải làm, nhất là vấn đề giảm chi phí.
Thế Vinh