Trong năm 2020, cả nước đã có tới 18 nhà máy chế biến trong ngành nông nghiệp được đầu tư, đi vào hoạt động. Đây được đánh giá là tín hiệu sáng trong việc nâng tầm phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Phụ thuộc công nghệ nước ngoài
Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp vẫn có quy mô nhỏ. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 4.000 DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 90% quy mô nhỏ và siêu nhỏ ở (dưới 10 tỷ đồng).
![]() |
Năm 2020, cả nước có 18 nhà máy chế biến trong ngành nông nghiệp được đầu tư, đi vào hoạt động. |
Đặc biệt, DN nông nghiệp hiện nay vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê cho biết, DN này làm nông nghiệp công nghệ cao được 5 năm nay, nhưng nếu phụ thuộc nông nghiệp thì có lẽ đã phá sản, nguồn thu hiện dựa vào mảng chính là luyện cán thép, công nghiệp điện tử.
Bà Hiền kể, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, DN đã nhờ đến sự giúp đỡ của một tập đoàn từ Nhật Bản về công nghệ, nhà máy. Họ cho kỹ sư, chuyên gia sang giúp đỡ DN tận tình để xây dựng chuỗi sản xuất từ đồng ruộng đến bàn ăn. Hiện tại, sản phẩm của Tập đoàn Hiền Lê đã xuất khẩu đi 4 nước là Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ.
"Tuy nhiên, tôi chưa cảm thấy mỹ mãn, bởi vì mình là người Việt Nam sản xuất ở đồng ruộng Việt Nam nhưng lại nhờ Nhật Bản giới thiệu để xuất khẩu", bà Hiền chia sẻ.
Đặc biệt, khi chuyên gia Nhật về nước để tránh dịch COVID-19 thì Tập đoàn Hiền Lê đã không còn chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật. "Điều đó dẫn đến, chúng tôi có 40ha đang lên quả, nhưng phải cho cày lấp đi vì nước và đất đang bị nhiễm khuẩn. Nếu cứ để ra quả rồi cố xuất khẩu thì sẽ bị đối tác phạt nặng", bà Hiền chia sẻ.
Cùng với đó, bà Hiền cho biết bất cập lớn là tiếp cận vốn, khoa học công nghệ. DN làm cầu, làm đường nội bộ để máy móc đi được vào đồng ruộng nhưng không được hỗ trợ nhiều từ phía Nhà nước.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc CTCP Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam, công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN là điều không cần bàn cãi, nhưng hầu hết các công ty trong nước đang không đủ năng lực để tự xây dựng một đội ngũ nghiên cứu riêng.
Hiện, rất ít loại máy móc ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là trồng hồi và quế, vì vậy DN áp dụng từng nhóm để quản lý hoạt động nhập liệu trong khâu sản xuất, đào tạo cho trưởng, phó nhóm ghi chép thời gian thu hoạch, thăm vườn cho toàn bộ HTX.
Thêm cơ chế khuyến khích
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ, đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi đồng nghĩa với việc sẽ đối mặt rủi ro lớn. Năm 2020 như "cơn bão" tác động nặng nề lên tất cả các DN. Điều đó đòi hỏi DN phải chủ động để vượt qua những thách thức này.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, nếu biết huy động được sức mạnh của đông đảo lực lượng DN thì sẽ có cơ hội để hiện thực hóa được mục tiêu vào tốp đầu thế giới. Trên thế giới, không ít quốc gia giàu lên nhờ nông nghiệp như Hà Lan (trồng hoa, nuôi bò), Israel (trồng cây ăn trái, rau quả)... Nhiều nước như Australia, Mỹ, Hàn Quốc cũng không lãng quên thế mạnh về nông nghiệp...
Theo TS. Từ Minh Thiện, Phó Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, vai trò của DN rất quan trọng với ngành nông nghiệp. Trong khi người nông dân làm ra rất nhiều sản phẩm nhưng lại không có hoặc rất kém về công nghệ bảo quản, chế biến, tiêu thụ, tất cả các công đoạn này đều phụ thuộc vào DN. Thậm chí, ngay cả vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, cũng phải nhờ đến DN. Có thể nói, liên kết giữa nhà nông và DN là mối liên kết xuyên suốt, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ.
Tuy vậy, DN cần được Nhà nước hỗ trợ về giảm chi phí và hạ giá thành qua việc phát triển hạ tầng cơ sở và logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, DN cần hỗ trợ tiếp cận được đất đai, nhất là các dự án đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm, cụm liên hoàn sản xuất - sơ chế - bảo quản - chế biến công nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ DN nhập khẩu công nghệ sản xuất hiện đại như thuế nhập khẩu nhà kính, cập nhật các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất - kinh doanh nông sản (máy chiếu xạ, máy xử lý hơi nước) trong danh sách máy móc được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu.
Trong tờ trình Phê duyệt đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 vừa được Bộ NN&PTNT gửi đến Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu đạt khoảng 50-51 tỷ USD, tăng lên 60-62 tỷ USD vào năm 2030.
Để thực hiện, Bộ NN&PTNT đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy thu hút đầu tư của DN như triển khai mạnh mẽ các chính sách liên quan đang có hiệu lực, ưu tiên hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu, các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy DN đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ trong nông nghiệp, chú trọng đầu tư công nghệ sau thu hoạch, công nghệ bảo quản, dự trữ... hàng nông lâm thủy sản, giảm tỷ trọng xuất thô, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu.
"Rà soát đề xuất chính sách thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh", Bộ NN&PTNT khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các DN đầu tư. Không chỉ với DN, cần hỗ trợ người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các HTX nông nghiệp kiểu mới, bản thân DN không thể với xuể đến từng hộ gia đình mà phải thông qua chính các HTX kiểu mới này. Có như vậy mới hình thành được trục sản xuất DN, HTX, người nông dân thành một thể thống nhất.
TS. Đặng Kim Sơn Chuyên gia nông nghiệp Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới do dịch bệnh, không riêng DN Việt Nam mà giới doanh nhân thế giới đều đang điều chỉnh định hướng đầu tư của mình. Trong tương lai, đầu tư có xu hướng tập trung hơn vào kinh tế thực, kinh tế xanh. Vì vậy, nông nghiệp vẫn là định hướng, điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong tương lai. Với chiến lược, quy hoạch, môi trường đầu tư thông thoáng thì không có lý do gì để không có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia lĩnh vực này.
Ông Trương Gia Bình Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp số Việt Nam Làm sao để Việt Nam phải là cường quốc sản xuất nông nghiệp. Thế giới đang cần sản phẩm biết rõ từ ngày gieo hạt đến lúc lên bàn ăn. Điều này đòi hỏi các DN và người dân phải áp dụng quy trình số hóa trong sản xuất. Để làm được điều đó rất cần đến vai trò của DN. DN sẽ là lực lượng trung tâm thúc đẩy sự thay đổi của nông nghiệp. |
Lê Thúy