Tháng 5/2020, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng khả quan, đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng, đạt 129,03 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Chưa kịp tăng tốc đã lo rủi ro
Doanh nghiệp thủy sản chưa kịp hưởng niềm vui vì tín hiệu tích cực này, thì gần đây, việc chính quyền TP Bắc Kinh, Trung Quốc phát hiện ổ dịch Covid-19 mới có liên quan đến chợ bán buôn nông sản Tân Phát Địa đã phần nào tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam.
Trung Quốc siết chặt kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nông thủy sản Việt Nam (Ảnh: TL) |
Các cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc... đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản và hàng thủy sản (đông lạnh, tươi sống và chế phẩm liên quan) tại các cảng/cửa khẩu nhập khẩu, nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Điều này sẽ phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu hàng thủy sản tại các cửa khẩu biên giới. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần chú ý theo tiến độ xuất khẩu và chủ động tăng cường công tác giám sát chất lượng hàng hóa.
Liên quan tới thị trường Trung Quốc, liên tiếp trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã phát đi cảnh báo rằng việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang nước này dự báo sẽ khó khăn các quy định siết chặt an toàn, nguồn gốc nông sản, thực phẩm. Đáng lo ngại, một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Quảng Tây đã áp dụng các biện pháp này.
Số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm: thủy sản đạt 373,19 triệu USD, giảm 2,3%; rau quả đạt 906,15 triệu USD, giảm 29,1%; hạt điều đạt 117,9 triệu USD, giảm 30,9%; cao su đạt 307,37 triệu USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Vải thiều đang vào giữa vụ nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 2.000 tấn được làm thủ tục thông quan để xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm mạnh so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lo ngại hơn, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết Trung Quốc còn thay đổi các quy định trong việc nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp. Thay vì chỉ cần dán tem truy xuất trên bao bì như trước, Trung Quốc đang yêu cầu in nội dung truy xuất hàng hóa trên bao bì. Ngoài ra, từ ngày 1/7, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.
Làm gì để 'chiều lòng' được người tiêu dùng?
Khó khăn là vậy nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp nông nghiệp buông bỏ thị trường Trung Quốc. Theo các chuyên gia, nếu biết cách "chiều lòng" người tiêu dùng ở thị trường này, sản phẩm Việt Nam hoàn toàn có thể đứng vững.
Theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới (ITTO), ảnh hưởng từ Covid-19 đã phát sinh nhiều xu hướng mới trong tiêu dùng sản phẩm gỗ ở các gia đình Trung Quốc. Các gia đình ở Trung Quốc ưa chuộng sản phẩm gia dụng tốt cho sức khỏe ngày càng trở nên phổ biến, sản phẩm gia dụng thông minh có nhiều cơ hội phát triển mới, các thiết bị nhà bếp nhỏ trở nên phổ biến hơn... Nếu doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nhanh nhạy, ngành gỗ hoàn toàn có thể kiếm được một "miếng" thị phần ở những phân khúc mà Trung Quốc đang cần.
Để các doanh nghiệp nông nghiệp có thể nhìn thấy được cơ hội này, thông tin thị trường là rất quan trọng. Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành HTX thanh long ruột đỏ Vĩnh Phúc, chia sẻ Trung Quốc là thị trường rất lớn, quan trọng của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, HTX này đang rất thiếu thông tin về thị trường. Đó là những quy định như trồng thế nào, chế biến, đóng gói ra sao để nông sản Việt có thể vào sâu thị trường này.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, hàng năm chiếm khoảng 60 - 70% khối lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam, các thị trường khác chiếm khoảng 1/3. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, cần phải chuyển đổi lại cách trồng trọt, cải tiến mẫu mã bao bì, sản xuất những sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long, cà phê, hạt điều, thủy sản được người Trung Quốc ưa chuộng và có nhiều triển vọng tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Cẩm cho rằng: Việt Nam và Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ với nhau và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn theo hình thức trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai bên, góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh việc bám sát tín hiệu của thị trường và chuẩn hóa sản xuất sẽ giúp ngành nông nghiệp có thể bám trụ và phát triển mạnh mẽ không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà còn tại nhiều thị trường "khó tính" hơn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Lê Thúy