Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản chia sẻ về những kế hoạch của đơn vị trong thời gian tới để Chỉ thị số 25 nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ông nhận định thế nào về vai trò của ngành công nghiệp chế biến đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản?
- Hiện cả nước có 7.500 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Riêng trong 2 năm 2018 - 2019, có 30 dự án chế biến nông sản mới với số vốn khoảng 1 tỷ USD đã được khởi công và đi vào hoạt động. Trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn tham gia vào chế biến nông sản như Công ty Đồng Giao, TH True Milk, Intimex…
Nông sản chế biến được đánh giá là hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới. Điều đó đã được chứng minh qua mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm này trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Đơn cử như rau quả, trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm nay suy giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, thì rau quả chế biến vẫn có mức tăng trưởng rất mạnh tới 33% so với cùng kỳ năm 2019. Với đặc tính dễ sử dụng, tiện lợi và thời gian dài, sản phẩm nông sản chế biến tỏ ra có ưu thế hơn hẳn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Thời gian tới, các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam sẽ còn có lợi thế lớn hơn nữa tại thị trường EU khi thuế suất của 85,6% dòng sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam vào EU sẽ được giảm về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Thị trường châu Âu rất ưa chuộng các sản phẩm trái cây của Việt Nam, EU đã công nhận 39 chỉ dẫn địa lý nông sản của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý khiến cho nhiều loại trái cây của Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường này dưới dạng quả tươi. Do đó, phát triển công nghệ chế biến đang là hướng đi được nhiều DN hướng tới để “đổ bộ” vào thị trường EU đầy tiềm năng.
Mặc dù dư địa thị trường lớn, nhưng tỷ lệ nông sản chế biến ở Việt Nam vẫn thấp, thưa ông?
- Tuy đã có nhiều dự án lớn đầu tư vào chế biến nông sản, nhưng sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là sơ chế có gia trị gia tăng thấp, chỉ khoảng 15 - 30% sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hiện mới chỉ có một số ngành tổ chức tốt được khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như mía đường, cá tra, tôm. Các ngành khác như rau quả có tỷ lệ chế biến rất thấp, chỉ đạt 5 - 10%; một số ngành khác như chè, cao su, sắn… thì vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp…
Để thúc đẩy phát triển chế biến nông sản, tại Chỉ thị số 25/CT-TTg vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các định hướng về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang làm gì để triển khai Đề án này?
- Bộ NN&PTNT được giao xây dựng các đề án phát triển 3 ngành chế biến nông sản để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2020.
Triển khai Chỉ thị số 25 của Thủ tướng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề ra một số kế hoạch lớn triển khai từ nay đến cuối năm.
Một là, tập trung vào thúc đẩy hỗ trợ các DN xây dựng các dự án tổ hợp chế biến nông sản lớn, ít nhất 4 nhà máy chế biến lớn sẽ khánh thành trong nửa cuối năm.
Thứ hai là, sẽ trình Đề án về công nghiệp chế biến nông sản gắn với cơ giới hóa nông nghiệp, để giúp các địa phương lồng vấn đề này vào trong văn kiện Đại hội đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong Đề án này, Cục sẽ tập trung vào một số ngành hàng, đặc biệt rau củ quả, thịt, thủy sản, nhằm thực hiện mục tiêu Thủ tướng giao đưa Việt Nam trở thành công xưởng chế biến nông sản của thế giới. Chúng tôi cũng sẽ hoàn thành xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản để trình Chính phủ. Ngoài ra, Cục cũng đã hoàn thành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hy vọng thời gian ngắn nữa, đề án này sẽ được Chính phủ ban hành.
Thời gian gần đây, điều hành giá một số mặt hàng nông sản có vẻ lúng túng, ví dụ như việc bình ổn giá thịt lợn. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Quản lý nhà nước với giá phải vận hành theo Luật Giá. Với từng mặt hàng nông sản, Nhà nước không thể ấn định giá bán, vì vậy ngày mai hay ngày kia giá mặt hàng này là bao nhiêu thì không thể nói được. Giá cả phải được vận hành theo cơ chế thị trường, chúng ta chỉ có thể phân tích số liệu cung - cầu để đưa ra những dự báo thị trường.
Ở phía Nam, hiện có Santa là một công ty khá uy tín ở Việt Nam đang nghiên cứu về thị trường và thông tin nông sản, những nghiên cứu của họ có tác động rất lớn tới ngành hàng. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đang phối hợp với hãng này để bổ sung cơ sở dữ liệu cho mình, tham mưu cho Bộ NN&PTNT phục vụ điều hành ngành.
Hiện, trên website của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá các mặt hàng nông sản đã được đưa lên hàng ngày, những thông tin này chúng tôi lấy từ các trạm thông tin ở khắp mọi miền cả nước. Trên đó, chúng tôi cũng có những chuyên mục phân tích theo kết cấu ngành hàng, chu kỳ sản phẩm.
Hiện nay, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang được Chính phủ và Bộ NN&PTNT giao xây dựng Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu và thu thập thông tin thị trường nông sản. Muốn xây dựng và thực hiện thành công Đề án cần có cuộc cách mạng về số hóa trong nông nghiệp. Chúng tôi sẽ cùng Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam, Bộ TT&TT trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia sẽ có hạng mục chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đặc biệt, trong tiểu dự án sẽ có phần kiểm soát thời gian thực trong sản xuất nông nghiệp, tức là quản lý trồng trọt, chăn nuôi, nông sản, lâm sản, qua đó kiểm soát được sản lượng, nguồn cung. Đề án này dự kiến sẽ trình lên Chính phủ vào đầu năm 2021.
Chu Khôi thực hiện