Ông Lâm Văn Việt, một hộ nông dân trồng rau màu ở huyện Châu Thành (Bến Tre), cho biết trong mùa dịch Covid-19 đợt 4 này, giá thuốc bảo vệ thực vật và giá phân bón tiếp tục tăng cao so với mức tăng trước lúc dịch bệnh bùng phát.
Vừa làm vừa lo
Theo ông Việt, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 30-40% chi phí sản xuất. Dịch Covid-19 đang gây khó trong tiêu thụ nông sản, giá thu mua giảm đến gần chạm đáy, giờ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cứ tăng mãi thì các nông hộ chỉ có nước “chết đứng”.
Giá phân bón “leo thang” giữa đại dịch Covid-19 đợt 4 càng chồng chất thêm gánh nặng cho các nông hộ. |
Ghi nhận tại các tỉnh, thành phía Nam những ngày đầu tháng 8/2021 cho thấy, giá phân bón hiện đang tăng rất cao so với hồi đầu năm nay. Nhất là một số loại phân bón nhập khẩu như phân SA bột, DAP, Kali đã tăng 50 - 70%. Còn giá phân bón trong nước với các loại như NPK, DAP, Urê cũng tăng 20 - 70%.
Không những vậy, giá các loại phân bón trên thế giới dự báo trong tháng 8/2021 vẫn tiếp tục tăng nóng và thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay. Còn ở trong nước, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã chứng kiến đà tăng phi mã của nguyên liệu với mức tăng tới 60 - 70%, thậm chí 100%, cho nên việc tăng giá phân bón ở trong nước cũng khó tránh khỏi.
Tại hội nghị trực tuyến mới đây về tình hình sản xuất nông sản ở các tỉnh phía Nam giữa dịch Covid-19, đại diện các Sở NN&PTNT cũng phản ánh, giá phân bón đang tăng cao trong khi giá tiêu thụ các sản phẩm nông sản lại giảm.
Giá thuốc bảo vệ thực vật cũng được ghi nhận tăng ở mức giá cao. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam có lưu ý, thuốc trừ sâu hiện đang tăng giá nên đề nghị Sở NN&PTNT ở các tỉnh phía Nam cần quan tâm.
Ông Nam cho rằng cần kiểm soát tốt giá cả vật tư đầu vào trong lúc này nhằm đảm bảo nguồn cung sản xuất nông nghiệp. Nếu không kiểm soát được chuyện này thì sẽ đội giá thành sản xuất cho mùa vụ sau rất lớn. Điều quan trọng trong lúc này là làm sao kéo giá phân bón đúng với giá thành sản xuất, không được để đẩy giá cao.
Tổ công tác phía Nam của Bộ NN&PTNT cũng vừa có công văn gửi Tổ công tác của Bộ Công Thương đề nghị, cùng vào cuộc kiểm tra tình trạng tăng giá “khủng” như hiện nay ở các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu.
Thực tế cho thấy, trước việc giá phân bón, thuốc bảo vệ thực tăng cao như thời gian qua, nhiều nông hộ luôn ở tâm trạng “vừa làm, vừa lo”. Chẳng hạn với trung bình 1ha lúa Hè Thu, nông dân phải bón thêm ít nhất từ 2-3 bao phân bón so với vụ Đông Xuân. Hơn hết, giá phân bón tăng kéo theo các chi phí khác cũng tăng như xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống.
Vì thế, trong vụ lúa Hè Thu 2021 này, các nông hộ đã tốn thêm gần 2 triệu đồng/ha cho chi phí đầu vào. Không những vậy, trong khi bước vào thu hoạch thì họ càng chới với khi giá lúa giảm mạnh mà vẫn khó tìm thương lái thu mua.
Đắn đo giữa “ngã ba đường”
Nếu như giá phân bón, thuốc trừ sâu là nỗi ám ảnh của người trồng trọt thì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng là áp lực đối với các nông hộ chăn nuôi giữa đại dịch Covid-19 đợt 4.
Ghi nhận trong nửa đầu tháng 8/2021 cho thấy hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đều gửi thông báo tới các khách hàng và đại lý về điều chỉnh giá bán mới với mức tăng từ 250 đồng/kg – 4.000 đồng/kg tùy doanh nghiệp và chủng loại thức ăn
Như vậy, tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trung bình 8 - 9 đợt với mức tăng giá 30 - 40%. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 75% giá thành sản xuất.
Điều này khiến cho các nông hộ chăn nuôi như đuối dần trong bối cảnh giá thương lái thu mua thấp hơn giá thành, thậm chí ách tắc cả đầu ra như đối với gà công nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
Giới chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu tiếp tục bộc lộ điểm yếu ở khâu nguyên liệu của ngành chăn nuôi tại Việt Nam, nhất là ở cấp nông hộ.
Trong chuyện tăng giá thức ăn chăn nuôi, theo nhận định của Tổng cục Thống kê thì hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất, bởi phải mua cám qua các đại lý cấp 2, cấp 3, cao hơn so với đại lý cấp 1.
Trong khi đó, với các trang trại lớn đều ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn nên ngoài việc hưởng mức giá sỉ ngang bằng với đại lý cấp 1, còn được thưởng phần trăm vào cuối năm, do đó họ sẽ bị ảnh hưởng ít hơn.
Nhiều hộ chăn nuôi bày tỏ mong muốn Nhà nước đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá ở mức phù hợp để các nông hộ có thể yên tâm tái đàn. Việc bình ổn giá cũng có thể được coi như là một hình thức “bảo hiểm” mà Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi.
Có thể nói, trước tình hình giá cả vật tư đầu vào “leo thang” như vậy, còn đầu ra của nông sản giữa đại dịch thì bấp bênh, giá sụt giảm thê thảm, cho nên “mùa vụ đắng” là điều mà với các nông hộ phải gánh chịu. Không chỉ vậy, mùa vụ tới có nên tiếp tục làm hay dừng lại cũng là điều mà các nông hộ đắn đo như đứng giữa “ngã ba đường” trong lúc khó khăn này.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |