Mới đây, Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng (Sosuco) đã có đơn thư gửi tới UBND tỉnh cùng các sở ngành để "cầu cứu" hỗ trợ bảo vệ mía trong vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Sự việc này phản ánh thực tế không mới nhưng rất nhức nhối về tình trạng tranh mua, tranh bán nông sản.
Phá vỡ liên kết, hạ giá trị nông sản
Cụ thể, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Sosuco, cho biết vụ sản xuất 2021-2022, công ty đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với bà con trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gần 2.000ha mía. Toàn bộ diện tích này, Sosuco đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công với tổng giá trị đến thời điểm này trên 15 tỷ đồng.
Nông sản Việt cần cạnh tranh bằng chất lượng chứ không phải bằng tiêu chí giá rẻ. |
Đồng thời, Sosuco đã có thông báo chính sách thu mua mía vụ 2021-2022 đến tất cả các địa bàn trong vùng nguyên liệu của công ty với giá 1,1 triệu đồng/tấn và được bà con ủng hộ. Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay, xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của Sosuco để đưa đi Tây Ninh bán cho các nhà máy đường khác. Sản lượng mía thu mua đưa đi ngoài vùng trung bình 500-600 tấn/ngày.
"Việc các thương lái tranh mua mía mà Sosuco đã đầu tư đưa đi bán cho các nhà máy đường khác gây mất ổn định ở địa phương, nhiễu loạn vùng nguyên liệu và ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của Sosuco nói riêng và thị trường mía đường trong nước nói chung", Tổng Giám đốc Sosuco bức xúc. Công ty cũng đối mặt nguy cơ phải dừng sản xuất sớm do thiếu mía và mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía.
Thực trạng này cũng đã được Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu lên. Nguyên nhân là do diện tích mía nguyên liệu giảm nhưng vào vụ chế biến, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng. Trong đó, gay gắt nhất là ở Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như việc "cho tạp chất", "cho cước"... của các nhà máy đường đối với nông dân và thương lái để tranh mua mía nguyên liệu.
"Chính tình trạng tranh mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy thông qua chính sách ngầm đã và đang phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy với nông dân, gây bất ổn cho sự phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung", Hiệp hội Mía đường lo ngại.
Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thương lái không chỉ diễn ra ở chuyện thu mua nguyên liệu, mà lo ngại hơn là tình trạng này đang xảy ra ở chiều bán. Một số doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá bán nông sản để thu hút các nhà nhập khẩu.
Bà Huỳnh Thuý Vy, đại diện đơn vị chuyên xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam không nên cạnh tranh bằng cách hạ giá sản phẩm. Doanh nghiệp, nhà xuất khẩu của Việt Nam phải hợp tác với nhau, tránh để nhà nhập khẩu có quyền được quyết định giá. Bởi nếu như vậy chẳng khác gì chúng ta làm việc với "thị trường Trung Quốc thứ hai".
Từng nhiều lần đề cập tới thực trạng nhức nhối này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods, khuyến nghị cơ quan nhà nước cần có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý các hiệp hội, tránh việc tranh mua, tranh bán. Doanh nghiệp Việt cần phải "nắm tay nhau" như ở Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản.
Ông Hùng lấy ví dụ, như Nafoods và Đồng Giao đang bán chanh leo cô đặc với một mức giá chung, song có doanh nghiệp nhỏ mới ra mắt đã rao bán giá thấp hơn. "Sản lượng của họ ít, thậm chí không có. Song, khách hàng dựa vào đó ép giá chúng tôi. Mà khi bị mất đầu ra, chúng tôi buộc phải mua của nông dân với giá thấp hơn. Như thế, thiệt hại theo chuỗi", ông Hùng chia sẻ.
'Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau'
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận đây là thực trạng rất buồn. Ông kể: "Vừa qua, tôi có tham gia một nhóm chat của các doanh nghiệp trong ngành cà phê, ngay khi có một doanh nghiệp đứng lên kêu gọi đừng hạ giá bán sản phẩm mà cần bắt tay nhau để khẳng định giá trị nông sản Việt thì đã có doanh nghiệp rời khỏi nhóm. Tại sao các doanh nghiệp không thể bắt tay nhau để ngành hàng phát triển hơn?".
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến nghị người Việt nói chung hay doanh nghiệp Việt nói riêng cần phải có tư duy liên kết với nhau. Đánh giá cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích đã có nhiều doanh nghiệp mở đường xuất khẩu, nhưng đã đến lúc chúng ta không nên đi lại cách đó, mà "muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Việc thành lập liên minh, hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu sang EU sẽ giúp nông sản đi xa hơn.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể về xuất khẩu trái cây sang EU, tránh kiểu nông dân tư duy mùa vụ, doanh nhân tư duy thương vụ, chính quyền địa phương tư duy nhiệm kỳ...
"Cần xây dựng chiến lược dài hơi, trong đó có vai trò của các bộ ngành, địa phương. Sau chiến lược là kế hoạch hành động của các cơ quan, doanh nghiệp và Tham tán thương mại ở nước ngoài", ông Hoan nói.
Việc liên kết, hợp sức với nhau cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt ngay ở thị trường trong nước. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam, từ nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ ngành đều rất quan tâm đến việc tổ chức sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm cho nông sản và các sản phẩm của Việt Nam nhằm tận dụng tốt cơ hội, lợi thế của từng địa phương, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Tuy nhiên, kết quả mang lại còn rất hạn chế, tình trạng mạnh ai nấy làm diễn ra khá phổ biến.
Trong khi đó, với gần 100 triệu dân, bà Hương cho rằng Việt Nam hoàn toàn không phải là thị trường nhỏ, thậm chí kinh doanh nội địa, các HTX trong nước rất có lợi thế so với doanh nghiệp, HTX ở nước ngoài. Do đó, tận dụng "sân nhà" vững chắc là một cơ hội cho các HTX vượt qua khó khăn, làm cơ sở để vươn ra thị trường quốc tế nhằm giúp các HTX hạn chế rủi ro do đại dịch, giúp các HTX có đầu ra ổn định và phát triển bền vững.
Ông Bùi Trung Thướng Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Việc mở được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường còn khó hơn. Ngành nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng, tránh tình cạnh tranh bằng giá để rồi đánh mất lòng tin từ phía khách hàng. Thời gian qua, Thương vụ đã nhận được một số phản ánh của khách hàng về một vài doanh nghiệp Việt sau khi xuất nông sản sang Ấn Độ đã hạ giá bán. Giá thấp thì chất lượng sản phẩm khó đạt nên khi phát sinh vấn đề tranh chấp, doanh nghiệp của Việt Nam sau khi thu được tiền đã không hợp tác với phía khách hàng để giải quyết. Khách hàng nhiều khi họ muốn mua rẻ, nhưng chúng ta đừng nóng lòng xuất khẩu để rồi không chú trọng vào khâu kiểm soát chất lượng, đánh mất thị trường. Ông Võ Văn Long Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức Nông sản Việt Nam không nên lấy tiêu chí rẻ mà phải lấy tiêu chí chất lượng để cạnh tranh. Muốn có hàng chất lượng thì chúng ta phải sản xuất đúng quy định, đúng chất lượng, đúng kỹ thuật và mẫu mã. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng Đức rất ưa chuộng nông sản châu Á nhưng nông sản Việt vào rất ít, phần lớn là hàng của Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác. Đó là trăn trở và mong muốn của chúng tôi, rằng Chính phủ phải tạo ra được không gian kết nối, để doanh nghiệp trong nước cùng doanh nghiệp của chúng tôi tại Đức đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam. TS. Hoàng Mạnh Huê Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu Hiện nay, mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Để tạo ra chuỗi cung ứng nông sản thì không chỉ bán một vài container là thành, mà cần tham gia được vào chuỗi cung ứng nước sở tại. Để giải quyết việc này cần phát huy vai trò tổ chức, hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… để trao đổi thông tin. |
Lê Thúy