Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại của công ty Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết hầu hết các cuộc nghiên cứu thị trường về thị hiếu, lối sống đều cho thấy người tiêu dùng (NTD) Việt lúc nào cũng đứng top đầu trên thế giới về mức độ lạc quan. Theo nghiên cứu mới nhất, chỉ số tinh thần lạc quan của NTD Việt đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Ấn Độ).
Thói quen và xu hướng mới
"Khi được hỏi có tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và tốt hơn hay không, có tới 86% NTD Việt đồng ý với nhận định này, cho biết rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Có tới 96% người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực mua sắm của hộ gia đình ổn định và tốt hơn", ông Hoàng cho biết.
Với ba yếu tố hàng đầu này của NTD Việt, rõ ràng là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp (DN) nội rất lớn, nhất là các DN trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề là các DN cần làm sao để cung cấp sản phẩm an toàn cho NTD Việt, đảm bảo sức khỏe cho họ và giải quyết vấn đề môi trường.
Từ những đánh giá trên, ở góc độ vi mô khi nhìn vào hành vi, nhìn vào giỏ mua sắm, túi tiền của NTD cuối cùng là những bà nội trợ, hộ gia đình chi tiêu đang hành xử như thế nào, để các DN Việt (nhất là các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm) tìm cơ hội có thể phát triển hơn nữa những sản phẩm tới NTD ở thị trường trong nước nhiều hơn nữa.
Có thể đơn cử như việc một số "đại gia" nội trong ngành thực phẩm như Vissan, Sài Gòn Food đang đẩy mạnh khai thác xu hướng, nhu cầu sử dụng các món ăn vặt của giới trẻ tại Tp.HCM. Các DN này chế biến ra các sản phẩm ăn vặt từ thịt gà, da heo, thịt heo các món như bánh tráng trộn, bắp xào tôm, hột vịt lộn xào me…
Một kết quả khảo sát mới đây của Hãng nghiên cứu thị trường Decision La cho thấy bình quân giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13.000 tỷ đồng chi cho ăn vặt mỗi tháng. Nếu không muốn cơ hội ở phân khúc thị trường này rơi vào tay khối ngoại, các DN nội không gì khác hơn là phải nhanh chân tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu NTD.
Khảo sát NTD còn cho thấy trong các kênh bán lẻ có tới 85% NTD ưa thích thực phẩm tươi sống ở các chợ truyền thống, tập trung vào các nguồn thực phẩm như thịt bò, thịt heo, cá, hải sản.
Tuy nhiên, kênh siêu thị và đại siêu thị đang có chiều hướng tăng trưởng khá tốt và có nhiều tiềm năng phát triển. NTD thường đến siêu thị thường mua trái cây, thực phẩm chế biến sẵn…
Cơ hội mở ra rất lớn cho hàng Việt nếu nắm bắt tốt thị hiếu NTD |
Giải bài toán truy xuất nguồn gốc
Giới nghiên cứu thị trường cho rằng khối ngoại cũng đang nắm bắt tốt sự thay đổi của NTD Việt theo hướng tích cực hơn cho bản thân và gia đình họ. Cho nên, các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ trong nước cần phải nắm bắt nhanh nhất những xu hướng mới nổi của NTD và cần phải hành động nhanh hơn để tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, nên biết thêm về xu hướng của NTD trên kênh bán hàng trực tuyến. Theo báo cáo Thương mại điện tử trong năm 2018 của công ty đo lường toàn cầu Nielsen, có đến 98% trong số NTD truy cập vào internet đã mua hàng trực tuyến.
Trên thực tế, khi mức độ quen thuộc, thoải mái và niềm tin tăng lên, NTD Việt có xu hướng mở rộng sang các mặt hàng như sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân, thực phẩm đóng gói và hàng tươi sống. Điều này tạo nên sự tăng trưởng đột biến cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên kênh thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết thêm, hiện nay, khu vực thành thị chi tiêu cho thực phẩm tươi sống ở góc độ hộ gia đình chiếm tới 13 – 14 tỷ USD/năm (nếu tính giá trị thị trường), thị trường nông thôn cũng vào khoảng 13 tỷ USD/năm.
"Như vậy, cộng lại tiêu dùng dành cho thực phẩm tươi sống ở cấp độ vi mô, cấp độ hộ gia đình đã lên đến 27 tỷ USD/năm. Đây là con số cực kỳ lớn, gấp ba lần so với tổng dung lượng thị trường hàng FMCG ở thị trường Việt Nam", ông Hoàng chia sẻ.
Triển vọng lớn của thị trường như vậy, nhưng trước những đòi hỏi về an toàn thực phẩm của NTD Việt, một vấn đề đặt ra cho hàng Việt (nhất là hàng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp) là cần giải bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, NTD và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của NTD Việt vào các sản phẩm nội đia có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy DN nội và NTD Việt hiện nay chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, các DN Việt, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể của mình.
Thế Vinh