“Tăng trưởng kinh tế tích cực, nhưng bối cảnh trong nước có nhiều thách thức, thế giới có nhiều bất định, chúng ta không bàn lùi, chỉ bàn tiến để đạt mục tiêu đề ra”,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức ngày 4/7.
Còn nhiều thách thức
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng cho biết 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP đạt 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua…
Việt Nam tiếp tục xuất siêu, xuất khẩu 6 tháng của cả nước đạt 122,7 tỷ USD, tăng 7,3%. Vốn FDI thực hiện đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1%.
Cũng trong 6 tháng có hơn 67.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, gần 22.000 DN trở lại hoạt động. Đa số DN ngành chế biến chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh quý II tốt hơn quý I.
Một trong những thành tựu của 6 tháng đầu năm 2019, theo Thủ tướng, là các bộ, ngành, thành viên Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong đàm phán ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới, một không gian mới cho hợp tác phát triển.
Khẳng định kết quả đạt được rất quan trọng nhưng Thủ tướng cũng lưu ý các tư lệnh ngành cần tập trung nhiều hơn vào những khó khăn, thách thức, tồn tại mà từng bộ ngành, địa phương phải đối mặt, kiên quyết giải quyết không để vướng mắc tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.
“Chúng ta đã ký EVFTA, vấn đề đặt ra là phải triển khai hiệu quả, có sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm chất lượng. Trước tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các DN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải nỗ lực hơn để đáp ứng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay”, Thủ tướng lưu ý.
Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, đến nay 60 tỉnh thành đã có dịch, đã tiêu hủy 2,82 triệu con lợn, chiếm 10% tổng đàn.
Nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm ảnh hưởng năng suất lúa, cây trồng, vật nuôi. Nguy cơ hạn hán trầm trọng đã thể hiện. Diện tích trồng rừng tập trung giảm 5%; rừng bị thiệt hại tăng 36,6%; diện tích rừng bị cháy tăng 81,2%; diện tích rừng bị chặt, phá tăng 1,2%.
Thủ tướng nhấn mạnh, vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Hà Tĩnh những ngày qua là sự cảnh tỉnh với nhiều địa phương trong cả nước…
Ngoài ra, giá một số mặt hàng nông, thủy sản giảm, cá tra giảm còn 20.500 – 22.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất; giá tôm giảm còn 73.000 – 79.000 đồng/kg.
Mức tăng trưởng của đầu tư công thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016 – 2019, vốn ngân sách trung ương thực hiện giảm nhiều so với cùng kỳ trong khi giải ngân vốn ODA thấp ở mức đáng báo động, chỉ đạt 37% vốn kế hoạch được giao.
Trong 6 tháng còn lại của năm 2019, Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt các giải pháp trong Nghị quyết 01, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội đã giao.
“Tinh thần là không ai bàn lùi, chỉ bàn tiến thực hiện các mục tiêu đề ra. Các bộ, ngành địa phương cần linh hoạt ứng phó kịp thời, không được chủ quan, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu đề ra”, Thủ tướng lưu ý.
Tăng trưởng kinh tế vượt thách thức |
Tìm giải pháp kịp thời
Đã thành thông lệ, tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đưa ra nhiều kiến nghị lên Chính phủ để có những giải pháp nhằm làm tăng hiệu quả phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đó, các địa phương đều cho biết đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, đời sống kinh tế – xã hội của nhân dân tại địa phương được nâng cao… Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại và yếu kém. Đặc biệt, dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn hoành hành trên diện rộng; thiên tai, hạn hán cũng như diễn biến thị trường thế giới đã và đang gây ra những tác động tiêu cực cho ngành nông nghiệp.
Chia sẻ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bộ trưởng cho biết hiện đã có 659 xã sau 30 ngày không còn dịch quay lại.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu vắc-xin và chỉ có vắc-xin mới ngăn chặn được dịch”, Bộ trưởng cho biết.
Theo ông Cường, ngay từ đầu, ngành nông nghiệp cũng đã xác định bên cạnh việc chăn nuôi an toàn sinh học, phải nghiên cứu bằng được vắc-xin để phục vụ chăn nuôi, khống chế dịch. Hiện đã có những kết quả ban đầu trong việc nghiên cứu vắc- xin.
“Có 2 đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin. Đó là nghiên cứu của các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên dòng vắc-xin vô hoạt thế hệ mới, khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm và khảo nghiệm trên diện hẹp cho kết quả tốt. Công ty CP thuốc thú y trung ương Navetco cũng đang phối hợp Chi cục Thú y vùng 6 triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau, kết quả trong phòng thí nghiệm cũng rất tốt”, ông Cường cho hay.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu và thử nghiệm đã được thực hiện trên các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và cũng cho kết quả rất tích cực. Bộ NN&PTNT đã kiểm tra tại nhiều trang trại, trong đó có trang trại quy mô 500 con lợn, cho thấy với việc sử dụng đồng bộ giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với chế phẩm có thể giúp nâng cao sức đề kháng của con lợn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Bộ NN&PTNT đã xác định việc nghiên cứu tìm ra vắc-xin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tiến tới sản xuất vắc-xin. Có thể khẳng định hướng đi này đang có những thành công nhất định.
Trả lời ý kiến của các địa phương liên quan đến ngành công thương, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 6 tháng đầu năm có nhiều điểm đáng lưu ý khi tiếp tục diễn biến phức tạp, thương mại và kinh tế thế giới đều suy giảm; thương mại toàn cầu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, dù khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu, thương mại vẫn đạt được kết quả tương đối tích cực, tương đối ổn định, đạt được mục tiêu kép.
Vì thế, 6 tháng cuối năm sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại để phát triển thị phần, nhất là tại các thị trường có hiệp định thương mại tự do.
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019, trong 6 tháng cuối năm phải đạt quy mô xuất khẩu hơn 23 tỷ USD/ tháng. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạc quan. Cơ hội tăng trưởng của các ngành hàng thuỷ sản, dệt may là rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, tăng trưởng công nghiệp 6 tháng cuối năm có dư địa lớn với một số dự án, cơ sở chế biến chế tạo đi vào hoạt động.
Huyền Anh
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Kết quả đã đạt được rất quan trọng, nhưng cũng cần tập trung nhiều hơn vào những khó khăn, thách thức, tồn tại mà từng bộ ngành, địa phương phải đối mặt. Kiên quyết giải quyết không để vướng mắc tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Chủ tịch UBND Tp Hà Nội - Nguyễn Đức Chung Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; sửa đổi các nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đề nghị cho phép dự án ODA được giải ngân theo tiến độ… Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Trần Ngọc Căng Kiến nghị Chính phủ tăng thẩm quyền cấp phép đầu tư cho tỉnh. Bởi hiện nay, quy trình cấp phép đầu tư còn kéo dài, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Chẳng hạn, Chính phủ quy định các tiêu chí để cấp giấy phép sân golf, địa phương sẽ cấp phép. |