Tại Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong cải cách công tác quản lý nợ công và các thông lệ tốt trong quản lý nợ công, được tổ chức ngày 23 - 24/8, Bộ Tài chính cho biết nhiều quốc gia lựa chọn thiết lập cơ quan quản lý nợ công (DMO) để tập trung các chức năng quản lý nợ nhằm đạt đến trình độ chuyên nghiệp hóa cao.
Mỗi người dân Việt Nam "cõng" 37 triệu đồng tiền nợ công
Bản tin nợ công Bộ Tài chính vừa cập nhật cho biết, số nợ công của Việt Nam năm 2021 giảm xuống chỉ còn 43,1% so với mức 55,9% năm 2020 và mức cao nhất 61,4% năm 2017.
Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 1,176 tỷ euro. Trong đó, vốn vay ODA là 957,99 triệu euro từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á |
Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Số nợ công của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với mức trần nợ công 60% GDP mà Quốc hội cho phép.
Với quy mô GDP năm 2021 đạt 368 tỷ USD, số nợ công tuyệt đối/GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 158,6 tỷ USD. So với số dân tính đến hết ngày 31/12/2021 vào khoảng 98,5 triệu người, số nợ công/1 người dân Việt Nam là khoảng 37 triệu đồng.
Một điểm đáng mừng là tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giảm mạnh qua các năm qua từ 51,7% GDP (2017) xuống 39,1% GDP (năm 2021); trong khi đó, nợ do Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp, tổ chức thuộc Chính phủ giảm từ 9,1% GDP (2017) xuống 3,8% GDP (năm 2021), nợ nước ngoài của quốc gia đến hết năm 2021 còn 38,4% GDP so với mức 49% GDP năm 2017…
So với 5 năm trước (2017), tỷ lệ nợ công của Việt Nam vượt trần trên 61,4% thì tỷ lệ nợ công năm 2021 giảm xuống còn 43,1%/GDP là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, nếu xét trên số nợ công tuyệt đối, nợ công/GDP của Việt Nam gia tăng khá nhanh trong những năm gần đây, từ mức 137,4 tỷ USD năm 2017 lên 158,6 tỷ USD năm 2021. Sau 5 năm (2017-2021) số nợ công tuyệt đối của Việt Nam tăng 21,2 tỷ USD, bình quân mỗi năm nợ công tăng trên 4,2 tỷ USD.
Số nợ công trên người dân từ đó cũng tăng, bất chấp tỷ lệ nợ công/GDP giảm khá mạnh. Cụ thể, nếu năm 2017, số nợ công/người dân của Việt Nam chỉ 33,7 triệu đồng/người, năm 2021 đã lên đến 37 triệu đồng/người. Các năm 2018 và 2019, số nợ công trung bình đạt 34 triệu đồng/người, năm 2020 là khoảng 35,3 triệu đồng/người.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ nợ công/GDP giảm là do quy mô GDP của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong 5 năm 2017 - 2021, GDP tăng 1,6 lần, tăng 114 tỷ USD.
Trong khi đó, số nợ công tuyệt đối tăng thêm 21,2 tỷ USD, khoảng 1,1 lần, không nhiều so với số tăng GDP, chính vì vậy đã khiến tỷ lệ nợ công/GDP giảm.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang giảm dần qua các năm. |
Tuy nhiên, lo ngại chính là dân số Việt Nam 5 năm qua dù đã tăng thêm 4,8 triệu người, bình quân tăng gần 1 triệu người/năm, nhưng số nợ công không giảm. Số liệu nợ công tuyệt đối giai đoạn 5 năm 2017-2021, tăng 21,2 tỷ USD, bình quân trên 4,2 tỷ USD/năm.
Như vậy, số dân tăng, số nợ công/người cũng tăng, điều này cho thấy mỗi người Việt sinh ra đều phải ghé vai gánh trách nhiệm trả nợ. Trong trường hợp, số dân tăng chậm đi, có thể gánh nặng trả nợ/người dân sẽ tăng thêm.
Giải pháp giảm rủi ro cho nợ công
Thông tin từ Hội thảo, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 thành nước thu nhập trung bình cao, xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Việt Nam trong thời gian tới sẽ giảm đi, danh mục nợ sẽ phát sinh thêm nhiều loại rủi ro, đòi hỏi có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp hóa để tăng cường hiệu quả hoạch định chính sách và đạt được cơ cấu chi phí - rủi ro nợ công phù hợp với mục tiêu quản lý đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tổ chức mô hình cơ quan quản lý nợ cũng hết sức đa dạng, có nhiều cách tiếp cận, phương thức quản lý nợ khác nhau. Nhiều quốc gia đã lựa chọn thiết lập cơ quan quản lý nợ công (DMO) để tập trung các chức năng quản lý nợ nhằm đạt đến trình độ chuyên nghiệp hóa cao.
Các quốc gia OECD chọn thiết lập một cơ quan quản lý nợ độc lập (Áo, Phần Lan, Ai-len, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đức, Hungary và Anh), một số quốc gia khác thiết lập văn phòng quản lý nợ công riêng biệt nhưng hoạt động dưới Bộ Tài chính (như Úc, Bỉ, Canada, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan và Mỹ).
Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đã thiết lập văn phòng quản lý nợ công riêng biệt như Thái Lan, Philippines, Indonesia. Mục tiêu chung trong việc hình thành văn phòng quản lý nợ công là đảm bảo thực hiện nhất quán, đồng bộ, kiểm soát toàn diện rủi ro phát sinh từ việc vay nợ, thực hiện các chính sách quản lý nợ, kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ.
“Việc nghiên cứu phát triển mô hình DMO với đầy đủ chức năng theo thông lệ quốc tế phù hợp với trình độ phát triển nhu cầu quản lý của Việt Nam trong từng giai đoạn là cần thiết. Song song với cải cách thể chế, sẽ tiếp tục hoàn thiện công cụ quản lý nợ, cơ chế kiểm soát rủi ro đảm bảo dư địa tài khóa và chính sách để phấn đấu mục tiêu nêu trên”, Thứ trưởng nhận định.
Thanh Hoa