Ở Tp.HCM hiện nay có một loạt dự án văn hóa thể thao thuộc nhóm ngành công nghiệp sáng tạo đang “đói vốn” đầu tư, thậm chí vẫn “nằm trên giấy” dù có chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước.
Không để các dự án mãi “nằm trên giấy”
Đơn cử như Dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc (tại Tp. Thủ Đức) có quy mô 466ha hiện vẫn “án binh bất động”. Dự án này có chủ trương đầu tư từ 30 năm trước, với dự tính số vốn ban đầu là 15.000 tỷ đồng và đến nay đã nâng lên tổng mức đầu tư dự kiến là 20.960 tỷ đồng.
Công nghiệp văn hóa và sáng tạo rất cần được sinh khí mới, cải thiện chính sách để tăng thu hút đầu tư. |
Hoặc như 18 dự án mà Tp.HCM đang mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Trong đó, CTCP tập đoàn CT Group đang quan tâm đến dự án, gồm: Dự án xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Lao động A - B và Dự án Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật Tp.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hay như CTCP Giải trí - Phát hành Phim Ngôi Sao (Cinestar) quan tâm 3 dự án, gồm: Dự án xây dựng mới Nhà hát Gia Định, Dự án Trung tâm Văn hóa Tp.HCM, Dự án Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Lao động A - B.
Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) như: Tổng công ty Xuân Hòa, CTCP ĐT 24.VN, Sapa Holding Ltd, Công ty Vietnam Sports Platform Limited, Công ty TNHH Bình Hạnh Đan, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Sài Gòn, Công ty TNHH Thường Nhật, Saigon Waterbus cũng quan tâm đến một số dự án.
Việc có một số DN quan tâm đầu tư vào những dự án văn hóa thể thao như kể trên là rất đáng khích lệ. Tuy vậy, vẫn còn những nút thắt rất cần được tháo gỡ để gia tăng thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thể thao thuộc ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo này. Như khuyến nghị của giới chuyên gia, cần áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với quy trình thủ tục đầu tư cần được rút ngắn và phải làm cho nhà đầu tư yên tâm với khuôn khổ pháp lý, có cơ chế rõ ràng.
Chia sẻ tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án văn hóa thể thao tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 15/10, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao. Nhất là quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của DN, xây dựng và có chính sách mới, đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi.
Bên cạnh việc cần đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, ông Hùng lưu ý các DN, nhà đầu tư nên thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh.
Xét về tình hình hoạt động của DN trong đầu tư, sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa, ở góc độ địa phương, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Tp.HCM, cho biết hiện có khoảng 17.670 DN, chiếm khoảng 7,74% số DN của toàn thành phố.
Theo ông Thuận, Tp.HCM mong muốn thu hút được nhiều nguồn lực từ trong và ngoài nước để phát triển lĩnh vực này. Trong đó, việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư được xem là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Tạo sinh khí mới với quyết tâm cao
“Vào tháng 8/2024, UBND Tp.HCM đã ban hành quy trình về trình tự thủ tục thực hiện dự án PPP gồm 6 chương và 24 phụ lục đính kèm. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu khi tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào Tp.HCM”, ông Thuận nói.
Song song đó, để tăng thu hút dòng vốn đầu tư vào công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Tp.HCM, giới chuyên gia khuyến nghị rất cần thành phố này tạo ra sinh khí mới với quyết tâm cao thu hút đầu tư.
Đặc biệt là cần giải quyết hai thách thức chính về mặt chính sách. Một là làm thế nào để thúc đẩy chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư một cách hiệu quả và hợp lý nhất. Hai là các công ty mong muốn được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Họ không sản xuất “tài sản hữu hình” như áo sơ mi hay linh kiện xe hơi, mà là “tài sản vô hình” thông qua sự sáng tạo nên rất cần đảm bảo với họ rằng quyền sở hữu của họ với các tài sản vô hình được bảo hộ.
Không riêng gì vấn đề đầu tư vào công nghiệp văn hóa ở Tp.HCM, với nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo nói chung ở Việt Nam (bao gồm 11 ngành, gồm: Quảng cáo, giải trí kỹ thuật số, kiến trúc, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính) vốn chiếm khoảng 3% GDP, cũng đang rất cần hỗ trợ tăng tốc để thật sự phát triển thành một ngành công nghiệp quy mô lớn. Trong đó, một trong những vấn đề mấu chốt là thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích sự tham gia của các DN có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Theo Ts. Phan Thế Công, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và luật, việc đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo sẽ đem lại nhiều mặt tích cực và hiệu quả cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, làm tăng nhanh GDP và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Nhất là khi Việt Nam đang được đánh giá là trung tâm cơ hội mới của thế giới bởi những ưu việt trong giao thoa của địa lý, văn hóa, ngôn ngữ.
Ts. Công chỉ rõ những ngành dịch vụ sáng tạo có thế mạnh của Việt Nam cần được đầu tư bao gồm: Thiết kế, nghệ thuật, giáo dục, du lịch, biểu diễn, thời trang, mỹ thuật, thủ công, mỹ nghệ, văn hoá, ẩm thực,...Bởi lẽ, sáng tạo chính là đẳng cấp sản phẩm cao nhất mà chúng ta cần hướng đến cùng với định vị toàn cầu. Và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam phải lựa chọn cho mình một hướng đi và một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu.
Vị chuyên gia này cho rằng việc Chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo sẽ thúc đẩy hình thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN trong ngành nhờ có sự phối hợp đồng đều giữa các cơ quan chức năng trong quản lý và hỗ trợ phát triển ngành. Hơn nữa, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp (như ngành thiết kế bao bì, kiểu dáng công nghiệp, quảng cáo truyền thông…).
Thế Vinh