Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký với các nhà máy nhiệt điện than.
"Tại anh tại ả, tại cả đôi bên"
Yêu cầu này được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than phản ánh TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo hợp đồng đã ký.
Ngành điện kêu thiếu than, ngành than muốn tăng giá bán. |
Tuy nhiên, khi báo cáo lên Bộ Công Thương để phản hồi về vấn đề cung cấp than cho sản xuất điện trong năm nay, TKV lý giải trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nguồn cung than thế giới khan hiếm, doanh nghiệp trong nước không nhập được đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến cho nhu cầu tăng rất cao. Thực tế này dẫn tới tình trạng khan hiếm than dù sản lượng sản xuất không giảm.
Theo kế hoạch, sản lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2022 là 35 triệu tấn. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng việc cung cấp phụ thuộc nhiều nhập khẩu. Dự kiến 3 tháng đầu năm nay, tập đoàn mới chỉ nhập được 325.000 tấn, còn sản lượng than phụ thuộc nhập khẩu cấp cho các nhà máy nhiệt điện quý I khoảng 1,1 triệu tấn - bằng 7,8% kế hoạch năm, giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch cấp than quý I năm nay.
TKV giải thích dù triển khai nhiều giải pháp tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước nhưng không bù đắp được khối lượng than phụ thuộc nhập khẩu bị thiếu. Than tồn hầu hết là than vùng Mạo Khê, Uông Bí (Quảng Ninhh) là loại không tiêu thụ được trực tiếp cho các nhà máy nhiệt điện mà phải pha trộn với than nhập khẩu hoặc các nguồn khác.
Đồng thời, việc không nhập khẩu được than theo đúng tiến độ, TKV cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới còn do đến ngày 2/3, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật Giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.
Hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn. Trong khi đó, giá than thế giới tăng đột biến. TKV đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý II năm nay. Tuy nhiên, do giá than thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ukraine làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu.
Trước khó khăn trên, TKV đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán trong nước để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Đồng thời, TKV cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện tôn trọng và thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng dài hạn đã ký kết với TKV, đăng ký nhu cầu than hàng năm với khối lượng không chênh lệch quá khối lượng bình quân theo hợp đồng dài hạn.
TKV phản ánh một số nhà máy điện than (kể cả trong EVN và ngoài EVN) đã ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn với TKV nhưng lại thường xuyên không đảm bảo thực hiện theo cam kết.
Cụ thể, khi nguồn cung bên ngoài giá thấp hay điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà máy điện tăng cường lấy than bên ngoài, không tiêu thụ than của TKV (lấy khối lượng ít hơn so với hợp đồng đã ký) dẫn tới tồn kho cao, TKV phải giảm sản lượng sản xuất. Ngược lại khi giá cao hay thời tiết không thuận lợi, đặc biệt trong điều kiện hiện nay giá than thế giới tăng mức kỷ lục, gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái thì mới quay lại lấy than của TKV với khối lượng cao.
Tính lại bài toán năng lượng
Trên thực tế đây không phải lần đầu mối quan hệ cung ứng than cho sản xuất điện gặp vấn đề. Còn nhớ thời điểm cuối năm 2018, EVN cũng có văn bản "cầu cứu" Bộ Công Thương về thực trạng một số nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng thiếu hụt than trầm trọng, thậm chí có nhà máy không đủ than vận hành trong 1 ngày.
Sau khi vấn đề này được giải quyết, Chính phủ đã yêu cầu TKV, Tổng công ty Đông Bắc và EVN cần khẩn trương thoả thuận ký kết các hợp đồng cung ứng than trong trung hạn và hàng năm, không để tình trạng bị động như vậy.
Đối với than nhập khẩu, Chính phủ yêu cầu các chủ đầu tư của các nhà máy điện phải chủ động nguồn than để sản xuất điện. Việc nhập khẩu than phải theo nguyên tắc giá thị trường, cạnh tranh, minh bạch; đảm bảo giá than hợp lý, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất điện.
Tuy nhiên, tại sao đến nay vấn đề này vẫn xảy ra? Trao đổi với VnBusiness, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng thực tế nếu đã có hợp đồng thì các bên cần tuân thủ, kể cả về việc thay đổi điều chỉnh giá bán. Trong hợp đồng ban đầu cần có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các bên. Còn để giải quyết dứt điểm thì đây là bài toán quá khó.
Sở dĩ khó là do than cho sản xuất điện hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, trong nước việc khai thác ngày càng khó khăn, chi phí hầm lò lớn. "Nhiều khi tôi còn lo lắng nếu không có sự đầu tư, đổi mới công nghệ bài bản thì ngành than khó có thể tồn tại trong tương lai", ông Thịnh chia sẻ, bởi theo ông nếu không khai thác được trong nước, hoặc khai thác mà đắt hơn nhập khẩu thì rõ ràng là không thể cạnh tranh nổi. Đây là vấn đề mà ngành than cần phải tính tới nếu muốn phát triển bền vững.
"TKV cần đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tính toán sẽ thu lợi nhuận thế nào. Bản thân doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành thì mới có thể cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay", ông Thịnh nói.
Trong khi đó với ngành điện, ông Thịnh cho rằng việc chúng ta luôn đối mặt với nỗi sợ thiếu điện do thiếu than một lần nữa đặt ra vấn đề cần phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho điện than. Trong Quy hoạch điện 8 đang được xây dựng việc tính tới cắt giảm mạnh công suất điện than để phát triển năng lượng tái tạo cần phải làm.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine khiến nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức, song cũng không ít cơ hội mà chúng ta cần phải nhìn ra.
Trong đó, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để có bước tiến nhảy vọt trong việc giảm phát thải carbon về 0, chuyển dịch mạnh sang phát triển năng lượng tái tạo như mặt trời, gió... "Một khi làm được điều này chúng ta không còn phải lo phụ thuộc quá nhiều vào giá năng lượng thế giới", ông Khương nêu quan điểm.
Nhật Linh