Dưới góc độ của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong mảng xuất khẩu thuỷ sản, nói về kết quả sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2022, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Saota (Fimex VN), cho biết trong sản lượng tôm tiêu thụ tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số đạt 161,9 triệu USD, tăng 21,8%, lợi nhuận tăng 45%.
“Hổ mọc thêm cánh”
Về sách lược thị trường, theo ông Lực, trong hai năm nay Fimex VN đã điều chỉnh chọn Nhật Bản là thị trường mục tiêu số 1 vì tìm thấy ưu thế ở đây như chi phí logistic thấp không làm tăng ảo giá tiêu thụ, thanh toán nhanh, sản phẩm đòi hỏi sự đa dạng, tỉ mỉ phù hợp sở trường của công ty. Thể hiện rõ nét là cơ cấu thị trường tại Nhật của công ty đã tăng trong năm qua và 8 tháng đầu năm nay, chiếm tỷ trọng cao nhất.
Sau khi M&A và nằm trong hệ sinh thái chung tương đối đầy đủ của “sếu đầu đàn” đã giúp cho không ít DN nông nghiệp thực phẩm như “hổ mọc thêm cánh”. |
Nhìn triển vọng của công ty trong các năm tới, ông Lực nhận định Fimex VN sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là thời điểm mà công ty đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn so với trước đây về sản lượng chế biến, doanh số, khách hàng, cơ sở vật chất, nuôi tôm…
Chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư của CTCP tập đoàn PAN (PAN Group) tổ chức ở Tp.HCM ngày 9/9, vị Chủ tịch của Fimex VN cho rằng, trong vòng 5 năm nay hoạt động của công ty ngày càng “bài bản” hơn sau khi có sự chung tay, hoà vào đường lối chung trong hệ sinh thái của PAN Group. Áp lực cũng có, nhưng cũng tạo ra động lực rất lớn cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh của công ty.
Về phía PAN Group từ đầu năm 2022 đến nay cũng được cho là “ăn nên làm ra” từ các công ty con trong mảng nông nghiệp thực phẩm (trong đó có Fimex VN) khi hầu hết các công ty con đều tăng trưởng cao về cả doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi.
Ước tính doanh thu thuần của DN này trong 3 quý đầu năm 2022 đạt 9.815 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đóng góp của mảng nông nghiệp là 3.407 tỷ đồng (tương ứng 35%), mảng thuỷ sản chế biến là 4.999 tỷ đồng (tương ứng 51%), mảng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày là 1.407 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp trong 3 quý đầu năm nay đạt 1.824 tỷ đồng (tăng đến 79%), trong đó thủy sản và mảng nông nghiệp đóng góp tương ứng 35% và 41%.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN Group, cho biết khi nằm trong hệ sinh thái chung thì các công ty con đều tăng trưởng rất tốt. Nhất là tập trung cùng nhau nâng tầm nông nghiệp Việt.
“Thời gian qua chúng tôi cũng đã hoàn thành M&A với nhiều thương vụ tiêu biểu để làm sao tạo được hệ sinh thái nông nghiệp thực phẩm tương đối đầy đủ. Có thể nói đây là mô hình “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam”, bà My bộc bạch.
“Thay da đổi thịt” sau M&A
Cũng theo bà Nguyễn Thị Trà My, hoạt động M&A không chỉ dừng lại ở việc đầu tư đơn thuần mà phía DN còn theo đuổi chiến lược phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, đầu tư nghiêm túc, bài bản vào mảng nông nghiệp thực phẩm bằng việc nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu chế biến với chiến lược phát triển bền vững.
Qua ghi nhận của VnBusines, nhiều sản phẩm nông nghiệp thực phẩm từ hệ sinh thái của DN này đã trở thành thương hiệu quốc gia và chinh phục nhiều thị trường lớn, khó tính trên thế giới. Từ đó để thấy việc các DN Việt trong mảng nông nghiệp, thực phẩm muốn vươn xa rất cần tham khảo hệ sinh thái. Như vậy, nói nôm na muốn lớn mạnh thì phải đi theo hệ sinh thái của những DN nội địa thuộc tầm cỡ lớn, dẫn đầu được xem như “sếu đầu đàn”.
Theo giới chuyên gia, xu hướng M&A các công ty nông nghiệp thực phẩm đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên toàn cầu và có thể tạo giá trị cộng hưởng cho các DN. Điều này được cho là công cụ hữu hiệu thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Ngay như ở một số DN Nhà nước trong mảng nông nghiệp, sau khi được cổ phần hoá, tham gia M&A thông qua “sếu đầu đàn” cũng cho thấy đã “thay da đổi thịt” khi được tiếp cận hệ thống quản trị mới chuyên nghiệp và nguồn vốn dồi dào.
Điều này có thể thấy ở trường hợp CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) đang là công ty thành viên của một DN “sếu đầu đàn” sau M&A. Như chia sẻ của ông Trương Công Cứ - Tổng giám đốc VFC, tiền thân của công ty là DN Nhà nước trực thuộc Bộ NN&PTNT, được cổ phần hoá từ năm 1999, sau cổ phần hoá đã tiến hành tái cấu trúc để phù hợp với cơ chế thị trường vốn có sự cạnh tranh gay gắt.
“Sau tái cấu trúc, với tầm nhìn 10 năm thì chúng tôi đề ra những ngành kinh doanh mà mình phải ở vị trí số 1. Ngay khi còn trong Nhà nước, mảng khử trùng của công ty còn kinh doanh độc quyền, nhưng khi cơ chế thị trường mở ra thì hàng loạt DN tham gia, kể cả những tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, bằng sự xoay chuyển tình thế đã giúp mảng khử trùng của công ty chúng tôi duy trì được vị trí dẫn đầu, chiếm 60% thị phần trên cả nước”, ông Cứ nói.
Có thể nói việc những DN làm nông nghiệp tham gia vào hệ sinh thái của “sếu đầu đàn” nội địa thông qua M&A sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho cả đôi bên, nhất là giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, tăng hiệu quả vận hành… Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp khối nội đang bị cạnh tranh quyết liệt với khối ngoại.
Quan trọng là “sếu đầu đàn” cần dành một khoản chi phí lớn nhất định cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm hỗ trợ cho các công ty thành viên phát triển sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm. Điều này sẽ làm tăng doanh thu ròng cho các DN. Khi các sản phẩm nhiều hơn, chất lượng cao hơn, các DN làm nông nghiệp của Việt Nam sẽ càng gia tăng lợi thế cạnh tranh tốt hơn nữa.
Thế Vinh