Tại Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018, sáng ngày 15/1, Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định năm 2018 là một năm chứng kiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề mới nảy sinh và cũng cho thấy nhiều thách thức trong hoạch định chính sách của các nhà quản lý.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, những chuyển động về chính sách của năm 2018 vừa qua vẫn cho thấy thách thức. Đây là câu hỏi đặt ra khi nhìn vào các hoạt động rà soát về điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành diễn ra thời gian qua.
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa khá cao, trên 50% nhưng vẫn thấy tính hình thức, đối phó trong đó. Ví dụ: có nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ (yêu cầu phương án kinh doanh từ có 04 nội dung còn 02 nội dung); nhiều điều kiện kinh doanh vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ trong đợt rà soát này; …
Những văn bản được ban hành trong năm 2018 lại tồn tại rất nhiều quy định về thủ tục hành chính bất cập, không có tính cải cách (thiếu minh bạch, thời gian thủ tục kéo dài, phương thức thực hiện vẫn là truyền thống).
Việc kết nối thủ tục trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia còn chậm (tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia , dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục, tuy nhiên trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất một thủ tục là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác thì dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm một bản giấy);…
Theo ông Lộc, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Với thế giới phẳng như hiện nay thì Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối diện với làn sóng phát triển công nghệ, trong đó sẽ xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới, rất khác với phương thức truyền thống đang diễn ra.
Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những phương thức kinh doanh này bắt đầu xâm lấn vào nền kinh tế, ví dụ: kết nối công nghệ trong dịch vụ vận tải, lưu trú du lịch; các dịch vụ cung cấp nghe nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình trên internet; dịch vụ quảng cáo thông qua các mạng xã hội… Chính điều này khiến chúng ta nhìn lại các chính sách quản lý hiện tại và quan sát cách hành xử của cơ quan quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới này.
"Việc chính sách đi sau sự phát triển kinh tế là điều dễ hiểu, tuy nhiên cách hành xử của các cơ quan quản lý như thế nào với những phương thức kinh doanh chưa có cơ chế chính sách quản lý mới là điều quan trọng. Nó có thể là động lực để thúc đẩy, cũng có thể là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh (cả cũ lẫn mới) phát triển. Thực tế, thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp, và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đây sẽ trở thành sự thách thức trong kỷ nguyên này", ông Lộc đánh giá.
Lê Thúy