Tại Hội thảo "Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD): Kết quả, vấn đề và kiến nghị" ngày 14/11, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp (DN) chia sẻ nhiều nỗi khổ trong cuộc chiến mang tên ĐKKD.
Báo cáo về ĐKKD năm 2018, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết trong hơn 5.000 ĐKKD được phân theo các bộ ngành, quy định ở gần 400 các văn bản khác nhau, đến nay đã có 542 ĐKKD được sửa đổi, bãi bỏ 771, thay thế 111. Tuy nhiên, lại có 29 ĐKKD phát sinh mới. Nếu tính tổng số các ĐKKD hiện hành, việc cắt giảm không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Cắt giảm hình thức
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), vẫn còn nhiều ĐKKD không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho DN. Nhiều bộ ngành sửa đổi, bổ sung thêm ĐKKD gây khó khăn hơn cho DN; sửa đổi dưới hình thức diễn đạt lại quy định về ĐKKD; sửa đổi nhưng không thực sự đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho DN.
Nghiên cứu của CIEM phân tích ở 4 bộ là Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL năm 2018 cho thấy: Bộ NN&PTNT đạt kết quả thấp nhất, chỉ cắt giảm 80 ĐKKD; Bộ Xây dựng: 158 ĐKKD; Bộ TT&TT: 116 ĐKKD; Bộ VH-TT&DL: 61 ĐKKD.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), đánh giá ĐKKD vẫn nặng về đơn giản hóa, chưa có tinh thần mạnh mẽ cắt giảm. Điều đó có nghĩa mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD cần phải được tách ra, tránh tình trạng như hiện nay, nhiều lúc chỉ thay đổi cách diễn đạt, bỏ từ không ý nghĩa cũng được thống kê là đơn giản hóa.
Nói về tinh thần cắt giảm ĐKKD, ông Tuấn dẫn chứng khi bãi bỏ quy hoạch xăng dầu, nhiều Sở Công Thương cho biết họ cảm thấy… trống vắng! Sau đó, một số Sở đã phản ánh tới lãnh đạo tỉnh là làm quy hoạch xăng dầu mà họ không được quyền thẩm định dự án. Quy định đó đã hằn sâu trong cách quản lý của họ.
Hay như tại Nghị định 107 vừa thay thế Nghị định 109 về xuất khẩu gạo, một số quy định đã được "cởi trói", song đại diện VCCI cho rằng vẫn cảm thấy sự rụt rè, chưa thay đổi mạnh mẽ phương hướng quản lý.
Đặc biệt, ông Tuấn cũng đề cập tới những điều kiện vô lý như yêu cầu có chứng chỉ này, chứng chỉ kia khiến DN phải cử nhân viên đi học.
"Đến học chỉ là chuyện hình thức, nhiều DN cho biết nhân viên của họ đến có nhiệm vụ dẫn thầy đi nhậu và nộp tiền lấy chứng chỉ", ông Tuấn nói và cho rằng cần bỏ các chứng chỉ vô lý như vậy.
Lo ngại về số DN đóng cửa, ngừng hoạt động gia tăng, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ có một luật sư tư vấn hỗ trợ DN nói với ông rằng số ĐKKD ở Việt Nam thực chất lên tới 7.000 chứ không phải dừng ở con số trên 5.000.
"Đây là cuộc chiến đấu khẩn cấp và cần thiết. Nếu không cải thiện được môi trường kinh doanh khi sản phẩm, dịch vụ nước ngoài tràn vào với thuế suất ưu đãi, DN Việt Nam chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh", ông Doanh nói.
Cắt giảm ĐKKD phải làm liên tục và nhất quán |
Phong bì...nặng - nhẹ
Hơn nữa, ông Doanh cho biết một số DN có chia sẻ số ĐKKD có giảm, nhiều thủ tục hành chính được giải quyết qua mạng nhưng vẫn cần một khâu tiếp xúc giữa người và người, phong bì "nhẹ" giải quyết 3 tháng nhưng phong bì "nặng" thì chỉ nửa ngày là xong.
"Như vậy, chi phí bôi trơn đang tăng lên. Một số DN cho biết trước kia chỉ phải phong bì 200.000-500.000 đồng để hoàn thiện một thủ tục, nhưng hiện nay phải chi nhiều hơn. Với chi phí này, giá thành sản xuất của Việt Nam có thể cạnh tranh được không? Nếu không, DN chỉ có nước phá sản", ông Doanh nêu vấn đề.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cũng cho biết đã từng chứng kiến, nghe những câu chuyện rằng DN chỉ sai một dấu phẩy cũng phải đến gặp trực tiếp cán bộ thì công chuyện mới xong. Cơ quan hành chính không nhìn thấy chậm trễ là mất mát tiền bạc, cơ hội kinh doanh của DN, mà chỉ nhìn thấy quyền lợi nào cho mình.
Nhìn lại thời gian qua, theo ông Cung, những đợt cải cách cho rằng tốt nhưng cuối cùng chỉ lởn vởn. Đầu tiên là Luật DN 2005 khẳng định tất cả luật, pháp lệnh, nghị định mới có quyền ban hành các ĐKKD, nhưng sau đó, ĐKKD xuất hiện tại nhiều thông tư.
Luật này cũng yêu cầu các bộ hàng năm phải rà soát ĐKKD thuộc bộ quản lý nhưng không ai làm, vì vậy, hàng loạt nghị định ban hành từ năm 2005-2008 xuất hiện ồ ạt ĐKKD. Số lượng ĐKKD được cắt giảm từ năm 2000- 2003 nhanh chóng được "sống lại", đồng thời bổ sung thêm nhiều điều kiện mới.
Luật DN 2005 cũng yêu cầu tới ngày 30/6/2010 là hạn cuối để DN nhà nước phải chuyển thành công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, cả từ giai đoạn 2005 – 4/2010, các DN không làm gì, đột nhiên hai tháng cuối ra quyết định hành chính chuyển một cách hình thức sang công ty.
"Nếu DN nhà nước được chuyển thành công ty từ năm 2005 thì sẽ không xảy ra những gánh nợ như Vinashin, Vinalines. Luật DN cũng đưa ra 5 nguyên tắc quản trị DN nhà nước nhưng cuối cùng không thực hiện", ông Cung nhấn mạnh.
Tiếp đến, ông Cung cho biết Luật DN 2014 có nhắc lại một lần nữa về ĐKKD, cho hai năm thực hiện chuyển đổi, ban hành các quy định về ĐKKD. Tuy nhiên, trong 2 năm đó, rất ít đơn vị làm, hai tháng cuối cùng mới dồn dập sửa đổi. Điều đó dẫn tới cơ quan nhà nước không đủ thời gian, nguồn lực thẩm định cái gì cần thiết và phù hợp, cuối cùng ban hành văn bản ào ạt, chất lượng không đạt.
"Kể những câu chuyện này là tôi muốn nói rằng cải cách thủ tục hành chính nói chung, cắt giảm ĐKKD nói riêng phải liên tục nhất quán, có áp lực từ bên ngoài thì mới làm được. Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng có vai trò quyết định, vì đòi hỏi thay đổi tư duy và cách thức thực hiện của công chức thực thi", ông Cung nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Cung dẫn chứng trường hợp của Hà Nội và Tp.HCM là hai đầu tàu kinh tế cả nước nhưng vì sao Sở KH&ĐT Tp.HCM được khen nhiều hơn ở Hà Nội, đó là điều mà lãnh đạo phải lưu tâm.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Bộ trưởng là tư lệnh ngành, bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện, phải thay thế những cán bộ cấp dưới không chịu cải cách. Muốn vậy phải có thước đo đánh giá ai làm được, ai không làm được và làm đến đâu. Bên cạnh đó, vai trò của hiệp hội DN cần phải được phát huy. Cộng đồng DN phải tích cực hơn, không thể ngồi chờ người ta thay đổi để mình được lợi. Mỗi cuộc thay đổi, cải cách cần liên minh và tạo ra liên minh nhiều hơn. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Có ý kiến khi thì cho rằng ĐKKD của Việt Nam ít hơn, khi thì nhiều hơn nhiều nước nhưng vấn đề ở chỗ các quốc gia đó áp dụng theo chuẩn mực quốc tế, thực hiện minh bạch. Vì vậy, cần chuẩn hóa các ĐKKD hiện nay, phải có cơ quan rà soát, tiêu chuẩn hóa các ĐKKD, quy định rõ về thời gian, chi phí thực hiện ĐKKD đó. Ts. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế Cần có bộ lọc hiệu quả hơn từ luật tới nghị định, thông tư, chứ như hiện nay đấu tranh cắt giảm ĐKKD giống như "một lực sỹ chống lại vài ngàn lực sỹ – đông như quân Nguyên". Cần phải đổi mới cách tiếp cận của cơ quan nhà nước theo tư duy thị trường hơn. |