Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) gần đây có đưa ra dự báo GDP của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng thêm từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD nhờ áp dụng các tiến bộ của Công nghiệp 4.0 tại các công ty.
Chưa như mong đợi
Tuy nhiên, có 3 vấn đề mà EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên: Nguồn nhân lực và đào tạo; Chữ ký điện tử; Luật An ninh mạng.
Đơn cử như với Chữ ký điện tử, EuroCham cho rằng do các quy định pháp luật hiện hành chưa bao quát đủ về chữ ký điện tử, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước cũng như nước ngoài hiện vẫn chưa hiểu rõ và e ngại áp dụng chữ ký điện tử trong thực tiễn.
Việc chuyển đổi số ở các DN Việt và một số lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa như mong đợi. |
Cộng đồng DN châu Âu ghi nhận nhiều trường hợp DN nội không hiểu rõ về cách áp dụng chữ ký điện tử, cũng như không thể xác nhận tính hợp pháp của văn bản được ký số, dẫn đến việc chậm trễ trong quy trình hành chính.
“Các công ty thành viên của chúng tôi đã gặp những trường hợp mà hợp đồng kinh doanh được ký kết điện tử giữa một công ty Việt Nam và đối tác nước ngoài bằng một giải pháp chữ ký điện tử khác, tuy nhiên không được ngân hàng tại Việt Nam công nhận tính hợp pháp để thực hiện giao dịch chuyển khoản”, EuroCham nêu rõ.
Hoặc như trong lĩnh vực logistics - một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số tại Việt Nam, nhưng việc chuyển đổi này được cho là chưa như mong đợi. Theo khuyến nghị của EuroCham, cần tạo điều kiện cho dịch vụ giao nhận đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là các giải pháp thương mại điện tử (TMĐT).
Còn theo nhấn mạnh của ông Mark Cheong, Giám đốc Marketing và Bán hàng tại DHL Global Forwarding: Thời đại 4.0, TMĐT phát triển rầm rộ, nên ngành logistics Việt Nam “bắt buộc phải nhanh hơn ngày xưa”.
“Bây giờ, khách hàng đều muốn đặt dịch vụ trực tuyến (online), nhận thông tin kiện hàng qua điện thoại thông minh (smartphone), cập nhật chính xác từng giây và giảm thiểu lượng giấy tờ cần nộp tại các cửa khẩu”, ông Cheong nói.
Một vấn đề khác về cơ sở hạ tầng mà Việt Nam đang gặp phải chính là việc các cụm cảng, kho bãi logistics còn hoạt động rời rạc và thiếu tính kết nối. Theo giới chuyên gia quốc tế, chi phí logistics cao, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và việc áp dụng công nghệ số mới đang ở bước đầu, là những rào cản khiến Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác.
Do đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu này, giúp ngành logistics phát triển bền vững và bảo vệ môi trường theo xu hướng chung của thế giới. Đây cũng là yêu cầu của phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài khi hợp tác với DN logistics Việt Nam.
Hướng tới kết quả và tác động
Theo khảo sát của Hiệp hội DN Logistics Việt Nam (VLA), đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN sụt giảm doanh thu, buộc phải áp dụng những cách thức hoạt động mới. Một trong các phương thức phổ biến nhất là thay đổi hình thức làm việc - sử dụng nhiều nền tảng phần mềm để hỗ trợ, hay cũng chính là xu hướng “chuyển đổi số”.
Không chỉ trong lĩnh vực logistisc, việc chuyển đổi số ở các lĩnh vực ưu tiên khác của Việt Nam cũng như ở cấp bộ và cấp tỉnh cần thúc đẩy nhanh hơn nữa. Bởi thực tế, tình trạng thiếu tập trung, thiếu chuẩn bị và không ưu tiên nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số vẫn là một nỗi lo lớn.
Nhất là khi triển khai tốt chính phủ điện tử (ở cấp quốc gia) và chính quyền điện tử (ở các cấp địa phương) không chỉ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, mà còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước và chi phí cơ hội cho xã hội. Chỉ riêng Cổng dịch vụ công quốc gia ước tính sẽ giúp tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng/năm.
Mới đây, khi góp ý với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) về dự thảo Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý việc lựa chọn các chỉ tiêu xây dựng Bộ chỉ số cần hướng tới kết quả và tác động thay vì tập trung vào “đầu ra” của việc thực hiện chuyển đổi số của các bộ, các tỉnh.
Bởi lẽ, rà soát sơ bộ cho thấy, phần lớn các chỉ tiêu được sử dụng trong Bộ chỉ số chuyển đổi số mới tập trung vào các chỉ tiêu “đầu ra”. Trong số hơn 360 chỉ tiêu của Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, có đến khoảng 300 chỉ tiêu thiên về “đầu ra”.
Trong khi đó, số lượng các chỉ tiêu liên quan tới tác động của việc thực hiện chuyển đổi số, như hướng tới DN hoặc người dân, dường như rất khiêm tốn trong Bộ chỉ số chuyển đổi số, cả ở cấp bộ và cấp tỉnh.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc rà soát lại các chỉ tiêu thu thập từ DN, người dân nhằm đảm bảo tính khả thi của Bộ chỉ số chuyển đổi số.
Chẳng hạn như tỷ lệ DN trong từng ngành cập nhật thông tin lên website. Hoặc tỷ lệ DN trong ngành cho phép thanh toán bằng thẻ, tỷ lệ DN trong ngành cho phép thanh toán qua ví điện tử; tỷ lệ DN trong ngành sử dụng các phần mềm nền tảng để quản lý dữ liệu nội bộ.
Hay là về tỷ lệ DN trong ngành có sử dụng nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); tỷ lệ người sử dụng internet để giao dịch ngân hàng, tỷ lệ người sử dụng internet để mua sắm trực tuyến…
Thế Vinh